Phương Tây khoanh tay đứng nhìn Aleppo thất thủ?

Google News

(Kiến Thức) - Việc phương Tây khoanh tay đứng nhìn Aleppo thất thủ có thể là sự khởi đầu cho chiến thắng cuối cùng của Tổng thống Basshar al-Assad.

Đó là nhận định của nhà phân tích người Đức Rainer Sollich trong bài viết đăng trên trang mạng Deutsche Well (DW) ngày 13/12/2016.
Phuong Tay khoanh tay dung nhin Aleppo that thu?
Việc Quân đội Syria giải phóng hoàn toàn thành phố Aleppo có thể là sự khởi đầu cho chiến thắng cuối cùng của Tổng thống Basshar al-Assad. Ảnh Global Research 
Nhà phân tích Rainer Sollich viết: Trong nhiều năm qua, các chính trị gia đã nói rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Syria. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đồng minh ở Iran và Lebanon lại có nhận định hoàn toàn khác.
Sau chiến dịch vây hãm và ném bom ác liệt Đông Aleppo trong nhiều tuần, Quân đội Syria các đồng minh đã kiểm soát được 99% lãnh thổ Đông Aleppo và việc Aleppo thất thủ, phiến quân ở đây buông súng đầu hàng chỉ còn được tính bằng giờ. (Quân đội Syria đã tuyên bố giải phóng hoàn toàn Aleppo trong ngày 13/12). Đối với chính phủ Syria và các đồng minh, đây là một chiến thắng quân sự quyết định và là một cơ hội để làm bẽ mặt đối thủ.
Vậy Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã làm gì liên quan đến trận chiến Aleppo? Trên thực tế, Mỹ và EU không làm gì cả. Phương Tây đưa ra những cảnh báo, tổ hức các hội nghị và tài trợ cho những nghị quyết (vô bổ). Nhưng trên thực tế, phương Tây chỉ khoanh tay đứng nhìn tình huống phát sinh. Sự sụp đổ của Aleppo một lần nữa cho thấy sự phá sản của đạo đức của phương Tây liên quan đến Syria.
Nó có vẻ hơi nực cười, khi nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang lợi dụng khoảng trống quyền lực hiện nay ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống Barack Obama đã không đột nhiên trở thành “một con vịt què” ở Syria sau khi ông Trump đắc cử. Theo nhà phân tích Sollich, ông Obama vốn dĩ là “vịt què”.
Tổng thống Obama muốn tránh những sai lầm chết người ở Syria vốn đeo đẳng Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush tại Iraq. Nhưng trong thực tế, cách tiếp cận hòa bình này làm cho ông Obama và toàn bộ thế giới phương Tây có lỗi một phần trong thảm kịch Syria. Cách tiếp cận đó khuyến khích Nga và Iran cũng như các đồng minh ngày càng không đáng tin cậy của Mỹ như Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ để sử dụng Syria vì lợi ích riêng và biến đất nước Trung Đông này thành một chiến trường tôn giáo và sắc tộc.
Bất chấp việc quân chính phủ giải phóng hoàn toàn thành phố chiến lược Aleppo, việc đưa đất nước Syria ra khỏi “vòng xoáy của hận thù và bạo lực” cũng vô cùng khó khăn như việc đạt được giải pháp chính trị hay quân sự.
Chiến thắng Aleppo sẽ là một cuộc biểu dương lực lượng mạnh mẽ của chế độ Assad. Với sự ủng hộ của Nga, chế độ này đang chiếm lợi thế và không thể bị lật đổ. Nhưng các nhóm phiến quân “ôn hòa” và cực đoan sẽ tiếp tục chiến đấu ở những vùng nông thôn cũng như tiếp tục tìm kiếm thêm các đồng minh Sunni mới. Và những kẻ khủng bố của cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" (IS) vẫn là một lực lượng cần phải tính đến, chủ yếu vì Moscow và Damascus đã không thực sự nghiêm túc đánh phiến quân IS.
Thảm kịch của Aleppo tượng trưng cho một thực tế từ lâu đã được công nhận: Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tiếp tục nắm quyền ở Syria, nếu Nga và Iran vẫn không để cho ông này sụp đổ và Mỹ vẫn tiếp tục khoanh tay đứng nhìn.
Nhưng Tổng thống Assad là người không thể mang lại hòa bình cho Syria, ngay cả khi Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump thực sự theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Qua những phân tích nói trên, nhà phân tích Rainer Sollich cho rằng đất nước Syria có nguy cơ sẽ phải tiếp tục đối mặt với chết chóc và tàn phá trong một thời gian khá dài nữa.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)