Phương Tây lạc quan về thỏa thuận hạt nhân với Iran

Google News

(Kiến Thức) - Sáu cường quốc thế giới lạc quan cho rằng tân Tổng thống mới  Hassan Rouhani dễ thỏa hiệp hơn về chương trình hạt nhân Iran so với tổng thống tiền nhiệm.


 Phương Tây kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận hạt nhân với tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho biết, các cường quốc - Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Mỹ - đang kỳ vọng những áp lực về mặt kinh kế cũng như tình trạng bất ổn trong khu vực trong những năm qua sẽ buộc Iran phải thỏa thuận về chương trình hạt nhân.

Theo đó, phương Tây cho rằng, Tổng thống mới đắc cử Hassan Rouhani giành được sự tín nhiệm phần lớn là nhờ cam kết để khôi phục lại nền kinh tế. Do đó, những tháng tới đây ông Rouhani sẽ phải chịu nhiều áp lực để thực hiện những hứa hẹn tranh cử. Tân Tổng thống Iran sẽ phải lưu tâm rằng, nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran không được nới lỏng phần nào, ông sẽ khó lòng vực dậy nền kinh tế trong nước. Từ đó, tín nhiệm đối với ông Rouhani sẽ bắt đầu suy yếu và tụt dốc.

“Việc ông Rouhani thắng cử trở thành tổng thống Iran đã tạo ra một cơ hội và chúng tôi đang chờ để thấy sự thay đổi của Iran”, nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao cho rằng, việc tân Tổng thống Rouhani từng là một nhà đàm phán hạt nhân của Iran cũng tăng thêm khả năng ông sẽ tích cực hơn trong tiến trình ngoại giao hạt nhân so với người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.  

Ông Rouhani từng chủ trì các cuộc đàm phán hạt nhân với Anh, Pháp và Đức - trong đó, năm 2003 Tehran đã đồng ký đình chỉ các hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy các nhượng bộ thương mại và ngoại giao. Song đáng tiếc cuối cùng, các cuộc đàm phán đổ bể vì các bên không tin tưởng lẫn nhau.

Sau đó, ông Rouhani từ chức sau khi Tổng thống Ahmadinejad nhậm chức tháng 8/2005 và tiếp tục khôi phục, mở rộng hoạt động làm giàu uranium.  

Các quan điểm được đưa ra theo sau cuộc họp của quan chức cấp cao đến từ 6 cường quốc Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Mỹ tại Brussels tuần này để bàn về chiến lược tương lai của tiến trình ngoại giao hạt nhân hậu bầu cử Iran.
Sáu cường quốc kỳ vọng đàm phán hạt nhân Iran sẽ được nối lại “càng sớm càng tốt”. Một số nhà ngoại giao tiết lộ, một vòng đàm phán mới có thể diễn ra vào tháng 9 tới, trước phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao vẫn thận trọng vì “sẽ phải đánh giá chính phủ mới của Iran thông qua các hánh động của họ". Trước đó, vòng đàm phán cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran được tổ chức vào tháng 4 và không đạt được bất cứ bước đột phá nào.
Bạch Dương (Theo Reuters)