Sau Mosul: Cuộc chiến chống IS vẫn còn dai dẳng

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà phân tích nói rằng việc giải phóng Mosul chưa phải là sự kết thúc, mà chỉ đánh dấu việc chuyển sang giai đoạn khác của cuộc chiến chống IS.

Nhà phân tích chính trị Israel, Avigdor Eskin, cho rằng việc giải phóng Mosul không đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố và cảnh báo Washington có thể rơi vào cái bẫy tương tự như sau cuộc chiến Iraq năm 2003.
Sau Mosul: Cuoc chien chong IS van con tiep dien
Binh sĩ Iraq làm biểu tượng chiến thắng ở thành phố Mosul. Ảnh Sputnik International 
Trong bài phân tích dành cho RIA Novosti, ông Eskin viết: "Tình hình Mosul phức tạp hơn nhiều, nếu so sánh với tình hình Aleppo sau giải phóng. Việc Daesh (phiến quân ISIL) bất ngờ chiếm được thành phố Mosul cách đây 3 năm một phần nhờ sự ủng hộ của dân chúng dành cho (thủ lĩnh IS) al-Baghdadi. Như quí vị biết, người Mỹ đã giải tán quân đội của (Tổng thống Iraq) Saddam Hussein vốn chủ yếu dựa vào người Sunni. Bị rơi vào tình trạng thất nghiệp và bị ruồng bỏ, đám binh sĩ chuyên nghiệp người Sunni của quân đội Iraq cũ dễ trở nên cực đoan và không ít trong số này đã trở thành lực lượng nòng cốt đánh chiếm thành phố Mosul cách đây 3 năm”.
Trái với dự đoán chung, cư dân Mosul không thực sự chống lại al-Baghdadi và những người ủng hộ ông ta. Nhiều người trong số họ còn cho rằng sự trỗi dậy của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo chính là hành động phản kháng chính quyền của người Shiite ở Baghdad được Mỹ hậu thuẫn.
Theo nhà phân tích Avigdor Eskin, người Mỹ vẫn chưa hiểu những gì sẽ chờ đợi họ trong tương lai gần. Ông giải thích: "Sự phản kháng của cư dân Aleppo đối với quân đội Syria thấp hơn nhiều so với mức độ chống đối của dân chúng Mosul đối với binh sĩ Iraq và dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn. Nhiều tay súng IS hiện phân tán khắp thành phố và đang giấu mình chờ thời. Tôi có thể nói một cách tự tin rằng chẳng sớm thì muộn, các tay súng này sẽ tiến hành các cuộc tấn công khủng bố dữ dội chống Mỹ và Iran".
Học giả người Nga Boris Dolgov, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Phương Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cũng tán thành những nhận định của ông Eskin.
Ông Dolgov nói với đài phát thanh Sputnik: "Việc giải phóng Mosul - một trong những thành phố lớn nhất của Iraq - cho thấy Daesh (Nhà nước Hồi giáo IS) đã bị phá vỡ trên cương vị một tổ chức chính trị-quân sự. Đây thực sự là một thành công lớn của tất cả các lực lượng chiến đấu chống lại Daesh, nhưng không phải là chiến thắng hoàn toàn đối với liên minh do Mỹ cầm đầu”.
Học giả Dolgov nhấn mạnh rằng Daesh không chỉ là một tổ chức khủng bố mà còn là một hệ tư tưởng nguy hiểm đang lan rộng khắp Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á.
Hơn nữa, một số thủ lĩnh cấp cao của Daesh đã trốn khỏi Mosul trước giải phóng và chuyển đến Syria. Hiện thời, một số tên đã lập căn cứ ở thành phố al-Mayadin, cách thành phố Deir Ezzor không xa.
Ông Dolgov nói tiếp: "Ban lãnh đạo Daesh đã chuyển nhiều tay súng tới các khu vực khác ở Iraq và Syria, nơi chúng sẽ tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích. Một số khác được yêu cầu lui vào bí mật và sau đó chuyển đến nhưng nơi khác như Libya, Afghanistan và thâm nhập vào các nước Châu Âu dưới hình thức người tị nạn".
Nhà phân tích Eskin cũng lưu ý đến thực tế những kẻ khủng bố Daesh đã hiện diện ở những nơi khác. Ông cho biết: "Những kẻ khủng bố IS đang hiện diện và củng cố chỗ đứng ở Libya và các nước khác trong lục địa châu Phi. Chúng đang chuẩn bị đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở đó".
Ông Eskin nhấn mạnh rằng người Mỹ đang sa vào cùng một cái bẫy như ở Iraq sau năm 2003, do không cố gắng giải quyết vấn đề khủng bố một cách toàn diện và triệt để. Theo ông, đã đến lúc Mỹ phải hợp tác với Nga để giải quyết vấn đề khủng bố IS thông qua các hoạt động chống khủng bố chung ở cả Trung Đông lẫn Bắc Phi.
Minh Châu (Theo Sputnik International)