Thị thực Đặc biệt dành cho người nhập cư (SIV) là một chương trình đặc biệt của chính phủ Mỹ dành cho các phiên dịch viên người Afghanistan và Iraq từng làm việc cho quân đội Mỹ. Họ là những người có một vai trò quan trọng đối với quân đội, và chương trình Hỗ trợ người tị nạn Iraq ước tính có khoảng 50.000 người Iraq và Afghanistan đã làm phiên dịch viên trong suốt thập kỉ vừa qua. Tuy nhiên, làm việc cho người Mỹ cũng khiến họ phải trả một cái giá rất đắt: bị Taliban và nhiều tổ chức khủng bố khác xem là “kẻ phản bội”, khiến cho bản thân những người này và gia đình họ luôn ở trong tình trạng bị đe dọa. Chương trình SIV được sáng lập nhằm bảo vệ cho những người phiên dịch này cũng như gia đình họ bằng cách đưa họ nhập cư vào Mỹ.
Nhưng không may là chương trình này vẫn có nhiều thiếu sót, điều này đã dẫn đến cuộc biểu tình của những người phiên dịch viên ở Afghanistan bên ngoài Sứ quán Mỹ tại Kabul, yêu cầu chính quyền nước này thông qua những thị thực mà họ đã hứa sẽ cung cấp trước đó.
|
Những người phiên dịch viên ở Iraq và Afghanistan đóng một vai trò khá quan trọng đối với quân đội Mỹ khi là những người giúp họ vượt qua rào cản ngôn ngữ với người bản địa. |
Để có được thị thực trong chương trình SIV, những người xin cấp phải trải qua nhiều công đoạn hành chính tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Trước hết, những người xin cấp thị thực phải nộp hồ sơ đến Cơ quan Quốc tịch và Nhập cư Mỹ tại Bộ An ninh Nội địa (USCIS). Hồ sơ này yêu cầu phải có những thông tin cơ bản, giấy khai sinh, với bản dịch thuật sang tiếng Anh được chấp thuận, giấy chứng nhận đã từng làm việc cho Mỹ, chứng nhận kiểm tra lý lịch và thư giới thiệu.
Nếu tất cả được chấp nhận, người phiên dịch viên sẽ tiếp tục được đăng kí xin thị thực. Bước này yêu cầu nộp đầy đủ những loại giấy tờ đã nêu ở trên, cùng với thông tin cá nhân của từng thành viên trong gia đình. Cả quá trình này thường mất đến vài năm. Sau khi hoàn tất, người phiên dịch viên sẽ tiếp tục phải có một cuộc phỏng vấn với Sứ quán Mỹ. Một vài trường hợp đã không được chấp thuận vì không có chứng nhận y tế ở bước 2, yêu cầu người phiên dịch phải trả 500 dollar cho mỗi thành viên trong gia đình tại một phòng khám duy nhất được ủy quyền tại Kabul. Vì chứng nhận y tế luôn có thời hạn hết hiệu lực, nếu nó hết hạn trước khi thị thực được cấp, những người phiên dịch phải xin cấp lại, đồng nghĩa với việc họ lại mất thêm 500 dollar cho mỗi thành viên trong gia đình. Trong một nỗ lực giải quyết tình trạng này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp thị thực tạm thời có hiệu lực trong thời hạn của chứng nhận y tế, ngay cả khi nếu đó chỉ là vài ngày. Vậy nên những người phiên dịch cùng với gia đình của họ phải chuẩn bị và thu xếp đồ đạc để rời khỏi đất nước mình trong một thời gian rất ngắn kể từ khi có thông báo.
|
Việc đưa những phiên dịch viên người Afghanistan vào Mỹ là rất cần thiết nhưng đang gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục hành chính vì lí do an ninh. |
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm tài khóa 2011, chỉ có 3 người từng làm phiên dịch viên cho quân đội Mỹ người Afghanistan được cấp thị thực. Năm 2012, con số đó chỉ tăng lên thành 63. Sự thiếu hiệu quả này đã khiến cựu Ngoại trưởng John Kerry xem xét lại toàn bộ chương trình, sau đó số thị thực được cấp đã tăng một cách đáng kể lên con số 3441 trong năm tài khóa 2014. Thế nhưng, số người gặp khó khăn trong việc xin cấp thị thực, tới tháng 7 năm 2014 là 6000 phiên dịch viên Afghanistan, vẫn còn đang mắc kẹt ở nhiều giai đoạn khác nhau trong suốt một quá trình lâu dài và phức tạp.
Một lí do khiến các công chức vẫn còn thận trọng trong việc cấp thị thực cho người Afghanistan đó là họ không muốn bị liên quan đến việc cho phép những hiểm họa an ninh tiềm tàng vào trong đất Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người lính từng tham chiến cùng với những phiên dịch viên không đồng ý với quan điểm này. Nhiều lính Mỹ đã đấu tranh về việc cải thiện tiến trình cấp thị thực hiệu quả hơn, trong số đó có anh Matt Zeller, người từng tiết lộ rằng trong thời gian anh chiến đấu ở Afghanistan, phiến quân Taliban đã gọi và đưa ra nhiều thông tin giả tạo cho các căn cứ quân sự Mỹ ở đây, khiến cho các phiên dịch viên bị sa thải.
|
Sayed Shah Sharifi, một phiên dịch viên người Afghanistan từng làm việc với quân đội Mỹ đang may mắn được sang Mỹ sinh sống |
Quốc hội Mỹ đã kéo dài chương trình SIV thêm 2 năm, trước đó nó được dự tính sẽ hết thời hạn vào ngày 31/12/2014, với mục đích hỗ trợ thêm cho hàng ngàn người Afghanistan. Tuy nhiên, khi mà Mỹ đang dần rút quân khỏi Afghanistan, nhiều phiên dịch viên và gia đình họ vẫn đang nằm trong tình trạng nguy hiểm vì bị Taliban trả thù.
Phong Đức