Soi các vấn đề trong nội các mới của Ukraine

Google News

(Kiến Thức) - Nội các Kiev gây lo ngại về cuộc đấu tranh quyền lực ngầm trong nội bộ sẽ cản trở phát triển kinh tế và gây ra khủng hoảng tài chính.

Bổ nhiệm gấp rút để moi tiền IMF?
Mới đây, Ukraine đã chỉ định 3 người nước ngoài nắm giữ các vị trí quan trọng trong nội các đồng thời cấp quốc tịch cho họ, trong đó có 1 công dân Mỹ.
Tân Bộ trưởng Tài chính Ukraine là cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã từng tốt nghiệp ĐH Harvard. 
Tình hình chính trị của Ukraine đang trong giai đoạn khó khăn và mặc dù có 3 quan chức nước ngoài cấp cao đang giữ 3 ghế nội các quan trọng, người ta vẫn lo ngại về những cuộc đấu tranh ngầm về quyền lực trong nội bộ sẽ cản trở sự phát triển về kinh tế và gây ra khủng hoảng tài chính.
 Các nhân vật chủ chốt trong chính phủ mới của Ukraine.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thăm Kiev cách đây 2 tuần và nói với Tổng thống Petro Oleksiyovych Poroshenko rằng: Ukraine cần gấp rút xây dựng lại Chính phủ trong vòng vài ngày chứ không phải là vài tuần! 
Sau một kì làm việc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra kết luận vào 25/11: “Chúng tôi chỉ tiếp tục thảo luận sau khi Ukraine thiết lập Chính phủ mới.”. 
Điều đó có nghĩa, chỉ khi thiết lập chính phủ mới theo lời của ông Biden, Ukraine mới có khả năng tiếp tục nhận được các gói cứu trợ cần thiết từ IMF.
Soi các bộ trưởng người nước ngoài của Ukraine
Các chính trị gia ủng hộ châu Âu đã lập ra một liên minh cầm quyền tạm thời để đạt được thỏa hiệp về quyền hạn của các Bộ trưởng trong nội các, nhưng họ vẫn dừng lại ở việc tạo ra một đội hình chưa đồng nhất.
Lãnh đạo Đảng Mặt trận Nhân dân Arseniy Yatsenyuk, người bất ngờ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 10 tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Các bên liên minh còn lại chịu trách nhiệm về phần còn lại của hệ thống 19 hạn ngạch chủ chốt. Tổng thống Poroshenko đã khiến Quốc hội Ukraine phê duyệt danh sách nội các mới, nhằm hạn chế những sự ủng hộ cá nhân đối với từng bộ trưởng.
Tân Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko: 1 công dân Mỹ.
Đảng của Tổng thống Poroshenko đã đề xuất 3 người nước ngoài: bà Natalie Jaresko - một công dân Mỹ - người trở thành Bộ trưởng Tài chính, ông Aitvaras Abramavicius (công dân Litva) giữ chức Bộ trưởng Kinh tế và ông Alexander Kvitashvili (người Gruzia) là Bộ trưởng Y tế. 
Ông Poroshenko cấp quốc tịch cho 3 cán bộ nước ngoài cấp cao này, chỉ vài giờ trước khi họ được Quốc hội phê chuẩn nhậm chức vụ mới.
Động thái này thể hiện một thông điệp rõ ràng: Ukraine mong muốn được trở thành đồng minh của Mỹ cũng như có mối quan hệ tốt với IMF. Kiev cũng đánh giá cao những cải cách táo bạo và không kém phần phức tạp của Lithuania và Georgia để thoát ra khỏi nền văn hóa và kinh tế hậu Liên Xô.
Bà Jaresko là người lớn lên trong một gia đình người Ukraine tại Chicago trước khi sống tại Kiev 20 năm. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình tại Ukraine bằng việc phân phối viện trợ của Chính phủ Mỹ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau đó trở thành người đồng sáng lập Quỹ đầu tư tư nhân Horizon Capital - quỹ đã đầu tư 255 triệu USD vào một số công ty của người Ukraine. 
Bà Jaresko đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp, nổi tiếng là một người quản lý nhiệt huyết, đầy năng lực và cũng là một chuyên gia tài chính nắm trong tay nhiều quyền lực. Tuy nhiên, bà chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý ngân sách phức tạp của Ukraine. Tuy vậy, một nhóm nhà kinh tế quốc tế đã đưa ra kết luận: Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ phải cắt giảm chi tiêu khoảng 10% GDP trong vòng vài tuần. Bà Jaresko cần phải làm quen nhanh chóng và hành động cương quyết trong một môi trường mới với tính quan liêu cố hữu, bẫy chính trị cùng nhiều những tiêu cực còn tồn tại khác.
Ông Abromavicius cũng vậy, ông đang sống tại Kiev trong thời điểm được bổ nhiệm. Có vợ là người Ukraine,ông Abromavicius là đối tác của quỹ đầu tư East Capital của Thụy Điển. Ông này cũng phụ trách các khoản đầu tư của quỹ tại Nga. Quỹ đầu tư East Capital đã suy yếu trong một khoảng thời gian, giảm 6,63% trong 5 năm trở lại đây (theo ghi nhận của Bloomberg), tài sản ròng của quỹ cũng giảm 55% sau khi đạt đỉnh vào năm 2007.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Kvitashvil, người sở hữu bằng Thạc sĩ Quản lý công của Mỹ. Ông này cũng quản lý Bộ Y tế Gruzia trong 3 năm dưới thời cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili. Tuy nhiên theo ông Larisa Burakova, tác giả cuốn sách về cải cách chủ nghĩa tự do của Saakashvili, ông Kvitashvil không tham gia vào viêc xây dựng và thực hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cá nhân quy mô lớn của Gruzia.
"Còn tham nhũng hơn cả thời ông Yanukovic"
Ông Kakha Bendukidze mới là người thật sự đứng sau quá trình chuyển đổi kinh tế của Gruzia. 
Nhận xét về Ukraine, ông Kakha Bendukidze cho rằng: Kiev cần loại bỏ một số bộ và cơ quan nhà nước. Ông này cũng bày tỏ thêm: “Ai cần đến họ trong khi chức năng duy nhất của Chính phủ ngày nay là lấy tiền từ IMF và chuyển giao chúng vào việc thanh toán khí đốt từ Nga?".
Các nhóm chuyên gia Ukraine thân phương Tây gần đây đã đề nghị loại bỏ ít nhất 20 bộ và cơ quan chính phủ. 
Động thái trên sẽ gây ra một số khó khăn cho liên minh cầm quyền của các chính trị gia thân châu Âu trong việc đạt được thỏa hiệp về quyền hạn của các bộ trưởng trong nội các.
 Liệu nội các mới của Ukraine có thể khắc phục được tình trạng tham nhũng?
Nội các mới thậm chí còn thiết lập thêm Bộ Thông tin với sự lãnh đạo của Yuri Stets, người điều phối kênh TV5 của Tổng thống Poroshenko và đồng thời cũng là bạn thân của ông này. 
Ông Stets gần đây đã tuyên bố sẽ không chấp nhận bất cứ cuộc hẹn nào từ ông Poroshenko vì lo ngại nó sẽ được xem như là một cuộc xung đột về lợi ích. Trong thời điểm hiện tại, ông đang thiết lập một cơ quan với mục đích phản đối việc Nga tuyên truyền chống Ukraine.
Việc thiết lập mới này gây ra tranh cãi giữa các nhà báo Ukraine, họ đang lo ngại rằng việc ông Poroshenko tạo ra một bộ mới là để tuyên truyền và kiểm duyệt tin tức một cách chặt chẽ hơn. Mặc dù một quan chức đứng đầu gần đây đã cho biết: Ukraine không đủ khả năng tài chính để điều phối thêm một bộ mới.
Có thêm lý do khác cho việc ông Poroshenko đề nghị loại bỏ một số cơ quan lập pháp: Việc mỗi chức vụ bộ trưởng được phê duyệt theo cách khác nhau sẽ ngăn cản những thỏa hiệp liên minh; ví dụ như Đảng Cấp tiến đã đề xuất Valery Voshchevsky trở thành phó thủ tướng, tuy nhiên ông ta từng là một quan chức dưới thời Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovic. Việc ông ta được công nhận một lần nữa là khó xảy ra, nhưng giờ nó đã trở thành sự thật.
Một số nhà lập pháp thân châu Âu, kể cả những người được bầu bằng số phiếu của Khối Poroshenko, cũng công khai tỏ thái độ trước sự việc đầy tiêu cực này. Ông Borys Filatov, một đồng minh thân cận của tỷ phú Igor Kolomoiskiy gọi đây là một sự “ô nhục” và là ví dụ điển hình cho “chính sách Byzantian không minh bạch”. Ông đã viết trên trang Facebook: “Đó là cách tuyệt vời để phá hỏng điều mà đất nước đang cần, dù có dùng từ ngữ gì để che đậy đi nữa.”
Một quan chức trong Khối Poroshenko cũng cho rằng: Kế hoạch của tổng thống là làm suy yếu quyền lực của ông Yatsenyuk thông qua nội các và lật đổ ông ta trước khi đưa ê-kíp của Poroshenko lên nắm quyền.
Trong cùng một thời điểm, ông Poroshenko cũng phải đối mặt với rạn nứt ngày càng tăng với nhà tài phiệt Kolomoiskiy, người điều hành đặc khu Dnepropetrovsk và cũng là người chi trả chủ yếu cho các chi phí phát sinh trong các cuộc bạo động ở khu vực miền đông.
Cuộc vận động chính trị này thực tế không cải thiện tình hình tại Ukraine mà trái lại còn làm gia tăng 20% lạm phát, khiến Chính phủ phải cắt giảm một khoản đáng kể như lương hưu, trợ cấp năng lượng và quỹ chống tham nhũng.
Theo đánh giá của tổ chức Transparency International (TI) năm 2014, xét về chỉ số tham nhũng, Ukraine là nước đứng thứ 142 trong tổng số 175 nước – tăng 2 bậc so với năm 2013 khi cựu Tổng thống Yanukovych nắm quyền.
Mặc dù việc xây dựng nội các mới là một động thái có lợi cho định hướng thân phương Tây của Ukraine và khiến cho những đàm phán với IMF của bà Jaresko dễ chịu hơn, nhưng mặt khác nó cũng có thể làm cho tình hình tại Ukraine trở nên tệ hơn. 
Hoàng Anh