|
Tàu chiến cận bờ USS Freedom của Mỹ đồn trú ở Singapore.
|
Theo nhà báo Roberto Tofani - đồng sáng lập www.planetnext.net, trong khi các nước trong khu vực tin rằng Washington sẽ thực hiện chính sách “xoay trục” chuyển 60% sức mạnh hải quân đến khu vực này vào năm 2020, hiện vẫn chưa rõ sự thay đổi chiến lược này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tranh chấp biển đảo đang ngày càng leo thang trong khu vực.
"Xoay trục" nửa vời?
Có ý kiến cho rằng Mỹ có ý định tăng cường sự hiện diện trong khu vực chỉ đến mức độ không làm cho Trung Quốc khó chịu. Sự mơ hồ chiến lược này và thái độ nghi ngờ về quyết tâm chính trị của Mỹ đang khiến cho các bên hữu quan tăng cường liên minh với các cường quốc khác trong khu vực như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Một số nhà phân tích cho rằng liên minh chồng chéo và có phần cạnh tranh nhau này có thể gây mất ổn định khu vực, khi Trung Quốc bắt đầu cảm thấy bị các nước bên ngoài khu vực bao vây.
Đã có ý kiến nghi ngờ về khả năng tài chính của Mỹ trong việc thực hiện “'xoay trục” một cách có ý nghĩa chiến lược và bền vững. Với kế hoạch cắt giảm ngân sách quân sự đáng kể tại Washington, các nước đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực tự hỏi liệu Mỹ có thể theo kịp tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, trong đó có kinh phí đáng kể để tăng cường sức mạnh hải quân.
Việc bố trí lại 290 tàu hải quân Mỹ đã bắt đầu với việc triển khai tàu chiến cận bờ USS Freedom đến Singapore. Việc cung cấp cho Philippines một tàu chiến Mỹ thứ hai (mặc dù đã gỡ bỏ hệ thống vũ khí và thông tin liên lạc tiên tiến) đã làm gia tăng kỳ vọng của các bên tranh chấp về việc Mỹ muốn thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực. Tuy nhiên, động thái này lại gây căng thẳng với Trung Quốc, nước vốn kịch liệt phản đối mọi hoạt động hay nỗ lực nào nhằm quốc tế hóa các tranh chấp biển đảo hiện nay.
Một số nhà phân tích khu vực cho rằng Mỹ không nhằm mục đích “kiềm chế” Trung Quốc và vẫn hy vọng nước này trở thành một cường quốc “có trách nhiệm” trong khu vực. Người ta không loại trừ khả năng Mỹ sẽ rút lại chiến lược “xoay trục” để tránh chọc tức Trung Quốc
Mục tiêu chiến lược của Mỹ khá mơ hồ
Mặc dù đã ký Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines năm 1951, thời gian qua, Mỹ đã thể hiện rõ thái độ tránh xung đột trong tranh chấp biển đảo giữa Manila và Bắc Kinh. Mặc dù hiệp ước này qui định phòng thủ chung, nhưng không chắc Mỹ sẽ đến tiếp viện cho Philippines trong một cuộc đụng độ trên khu vực tranh chấp. Vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough ở Biển Đông là một bằng chứng rõ ràng.
Gần đây, Philippines đã thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thông qua tòa án trọng tài quốc tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, một động thái được Mỹ hậu thuẫn. Trong khi nhà chức trách Philippines gọi việc đưa tranh chấp biển đảo ra trước trọng tài quốc tế là “hành động thân thiện”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hành động nói trên của Mainla là “không đúng đắn về khía cạnh lịch sử và pháp lý cũng như hàm chứa những cáo buộc không thể chấp nhận đối với Trung Quốc”.
Các nước hữu quan đã cáo buộc Bắc Kinh cứng nhắc về tranh chấp biển đảo, trong đó có việc bám lấy cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã củng cố tuyên bố chủ quyền của mình bằng các cuộc tuần tra biển dày đặc hơn, báo hiệu lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trước sự can thiệp của nước ngoài, trong đó có cam kết “xoay trục” của Mỹ.
Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Soeya Yoshihide của Đại học Keio (Nhật Bản) nhận định: “Các quốc gia Đông Nam Á đang lo lắng về sự nổi lên của Trung Quốc, nhưng lại không sẵn sàng theo đuổi cách tiếp cận đối đầu với Bắc Kinh. Về phần mình, Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường hiện nay”.
Tình hình đang trở nên phức tạp hơn, khi không phải tất cả các nước thành viên ASEAN đều hoan nghênh sự hiện diện quân sự nhiều hơn của Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc. Indonesia được cho là ưu tiên các biện pháp ngoại giao hơn chính sách cân bằng sức mạnh trong khu vực do Mỹ hậu thuẫn. Trong khi một số nước ASEAN muốn Ấn Độ, Nhật Bản có vai trò tích cực hơn ở Biển Đông, một vài nước khác lại sợ sự can dự của hai nước nói trên sẽ khiến cho tình hình khu vực thêm mất ổn định. Nhận thức về sự cam kết yếu hơn của Mỹ đang trở thành một yếu tố quan trọng trong việc hoạch định chính sách của các nước ven Biển Đông.
Bất kể Mỹ có “xoay trục” hay không, Trung Quốc ít có khuynh hướng chấp nhận đối thoại đa phương (thông qua ASEAN hay ở bất cứ nơi nào khác) để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Thay vào đó, Trung Quốc thiên về hướng củng cố lập trường của mình để chặn trước sự can dự của nước ngoài vào vấn đề Biển Đông trong tương lai.
Bằng cách tăng cường các cuộc tuần tra hải quân trong khu vực tranh chấp, Trung Quốc đang củng cố tuyên bố chủ quyền và tăng cường lợi thế chiến lược ở Biển Đông. Trong khi mục tiêu chiến lược của Mỹ vẫn còn khá mơ hồ, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc dường như ngày càng trở nên rõ nét.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lê Chân (theo atimes.com)