Tại sao Israel quay sang chống chế độ Assad?

Google News

(Kiến Thức) - Israel không ngại công khai chống lại chính phủ Assad trong bối cảnh Syria vừa giành được thắng lợi vang dội trên mặt trận ngoại giao.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Nhiều người tỏ ra băn khoăn về phản ứng của Nhà nước Do Thái, đặc biệt là sau bài phỏng vấn Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren đăng trên tờ Jerusalem Post.
“Chúng tôi muốn Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực. Chúng tôi thà chấp nhận kẻ xấu không được Iran ủng hộ chứ không chấp nhận bất cứ ai được Tehran hậu thuẫn", ông Oren nhấn mạnh.
Có một vài điều kỳ lạ trong tuyên bố này. Thứ nhất, tuyên bố này đến sau nhiều tháng im lặng của chính quyền Israel trước cuộc khủng hoảng Syria. Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thậm chí còn khiển trách các bộ trưởng trong nội các của ông về việc phá vỡ im lặng và lên tiếng thể hiện thái độ chống chính quyền Assad.
Thứ 2, tuyên bố công khai chống chế độ Syria lại do một nhà ngoại giao Israel phát ngôn chứ không phải một chính trị gia.
Và quan trọng nhất, tuyên bố trên được đưa ra trong thời điểm Tổng thống Assad đang được đặt nhiều kỳ vọng về thái độ tích cực giải quyết khủng hoảng Syria.
 Quân nổi dậy Syria chiến đấu ở Aleppo.
Đó là khi thỏa thuận Nga-Mỹ đã giúp ngăn chặn cuộc tấn công quân sự của Mỹ để đỏi lấy cam kết có vẻ thiếu thực tế là Syria từ bỏ vũ khí hóa học. Rõ ràng, thỏa thuận này, trước mắt có lợi cho Tổng thống Assad khi ông có cơ hội và thời gian để củng cố quân đội, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công chống lại quân nổi dậy gần Damascus mà không phải bận tâm về mối đe dọa tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Trước đó, trong bối cảnh miệng hố chiến tranh cận kề, một vài câu chuyện giật gân về chiến dịch quân sự được đồn thổi ly kỳ. Chẳng hạn, chiến dịch quân sự đã bị bóp chết từ trong trứng nước bởi người Syria và người Nga.
Nhiều đồn đoán còn nổi lên rằng, tên lửa hành trình thậm chí máy bay Mỹ bị bắn hạ gần biên giới Syria. Trong khi, các báo cáo đáng tin cậy hơn cho rằng, một cuộc tấn công được nước ngoài hỗ trợ của quân nổi dậy bắt nguồn từ Jordan đã trở thành thảm họa khi bị đè bẹp và bị tổn thất nặng nề.
“Đây là lực lượng được đào tạo và trang bị để hiện thực hóa mục tiêu cuối cùng là lật đổ chế độ Assad và kiểm soát Damascus. Nhưng họ đã vượt qua biên giới Jordan và tháo chạy tan tác”, World Tribune đầu tuần này dẫn nguồn tin ngoại giao phương Tây cho biết.
Ngoài ra, còn có các dấu hiệu cho thấy có một cuộc mặc cả lớn đang được hình thành giữa Mỹ và Iran. Nhiều tin đồn rộ lên cho rằng, tân Tổng thống Iran, Hassan Rohani có thể sẵn sàng đóng cửa cơ sở làm giàu uranium ở Fordow.
Do đó, Israel có vẻ như đang cố gắng phản ứng giống như một nạn nhân của sự rụt rè của Mỹ đối với Syria hòng gây áp lực lên chính quyền Obama.
Trên thực tế, nhận thức hiện nay giữa các nhà phân tích là cuộc nội chiến Syria và chương trình hạt nhân của Iran sẽ là 2 vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau trong mọi cuộc đàm phán Mỹ-Iran.
Israel cũng nhận thức được điều này. Do đó, họ có thể cố gắng lợi dụng điểm này để phục vụ lợi ích của họ.
Theo nhà phân tích Israel, Avi Shilon: Mục tiêu chiến lược là áp dụng thực hiện ở Iran những gì sẽ xảy ra ở Syria. Bởi vì rất rõ ràng rằng, chương trình hạt nhân của Iran như vũ khí hóa học ở Syria có thể không thể bị phá hủy hoàn toàn bởi một cuộc tấn công quân sự. Thỏa thuận giải trừ vũ khí ở Syria có thể tạo ra kết quả hiệu quả hơn chiến tranh và bom đạn – ngay cả khi nó không được thực thi trọn vẹn, đầy đủ.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro đáng kể chắn chắn cho cả Israel và Mỹ trong chiến lược này, nhất là vì Iran có khả năng khuấy tình hình Syria nóng lên để giành lợi thế trên bàn đàm phán về chương trình hạt nhân với Mỹ và phương Tây.
Theo một số nhà phân tích, trái với suy nghĩ của nhiều người, cuộc can thiệp quân sự Mỹ ở Syria (thậm chí với mục tiêu thay đổi chế độ) thực tế, có thể có lợi đối với Iran về lâu dài.
Không giống như các nước láng giềng Arab của Syria, mong muốn sự ổn định khu vực. Iran muốn sự bất ổn. Bởi điều này sẽ thúc đẩy sự đoàn kết nội bộ của Cộng hòa Hồi giáo. Iran cũng nhận thức được rằng, ảnh hưởng và vị thế có họ có thể yếu đi chứ sẽ không thể mất đi. Các chiến lược gia cũng tin rằng, do đã quen khó khăn, thách thức bởi phải sống chung vơi lệnh trừng phạt trong nhiều thập niên. Sự hỗn loạn ở Syria có thể đe dọa các quốc gia Arab vốn đã yếu ớt nhưng sẽ không tác động nhiều đến Iran. Do đó, Tehran có thể lợi dụng sự hỗn loạn của thế giới Arab để trục lợi.
Bạch Dương (Theo AsiaTimes)