Sau khi Crimea tự nguyện gia nhập vào Liên bang Nga thì leo thang quân sự tiếp tục ở vùng Đông Nam Ukraine là không có lợi cho Moscow. Tổng thống Vladimir Putin, khi ký văn bản tiếp nhận Crimea vào Liên bang Nga đã tuyên bố, là nước này không có kế hoạch can thiệp quân sự vào Ukraine.
Vậy tại sao Ukraine vẫn sợ Liên bang Nga như trước và tuần trước đã tiến hành động viên lớn, tập trung quân đội trên biên giới với hàng xóm lâu đời của mình?
Dưới đây là nội dung những lý do mà Ukraine buộc đưa quân tới biên giới với Nga trong bài viết của bình luận viên báo Độc Lập Vladimir Georgievich Mukhin:
Theo ông Mukhin, lý do đầu tiên, chính quyền hiện nay ở Kiev hết sức lo ngại nội chiến. Việc bố trí lại một cách quy mô các đơn vị quân đội Ukraine trên hướng Nam và Đông Nam trên thực tế, liên quan không chỉ đến mối lo ngại cuộc xâm lược từ bên ngoài, mà còn là sự lo sợ của chính quyền Ukraine hiện nay đối với sự mất ổn định tình hình ở những khu vực có nhiều dân cư nói tiếng Nga.
|
Binh lính Ukraine lập công sự tạm trên khu vực gần biên giới với Nga.
|
Việc Kiev siết chặt quy chế cho phép đi lại trên biên giới Nga - Ukraine, cũng như đưa ra chế độ cấp visa với công dân Nga chứng tỏ những người do Maiđan (chỉ phong trào biểu tình ở Quảng trường Độc Lập) dựng lên, lo sợ tất cả người Nga sẵn sàng ủng hộ đồng bào mình.
Minh chứng rõ nét điều này, theo truyền thông địa phương, đã có những nhóm ở miền Nam và miền Đông Ukraine lôi kéo cảnh sát, quân đội về phía mình. Có những sự kiện chứng tỏ nỗ lực của những nhóm này tự trang bị vũ khí để chống lại các chiến binh của Maiđan và Right sector. Mặc dù, khó có thể có nội chiến lớn ở khu vực, nhưng Quân đội và Bộ Nội vụ Ukraine không có khả năng hành động như trước. Về phần lực lượng Vệ binh Quốc gia thì mới thành lập và hoàn toàn chưa sẵn sàng.
Thứ hai, trong bối cảnh quan hệ “không đơn giản” giữa Moscow-Kiev không thể loại trừ hoàn toàn những hành động vũ lực từ phía Nga, trong khi chính quyền Kiev hiện nay rất yếu. Và điều này giải thích việc thủ lĩnh đảng UDAR Vitaliy Klichko (võ sĩ quyền anh nhà nghề hạng nặng, từng vô địch thế giới) kêu gọi Liên hợp quốc và OSCE (Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu) khẩn cấp đưa vào lãnh thổ Crimea các quan sát viên và lực lượng gìn giữ hòa bình. Nếu các quá trình không kiểm soát được ở vùng Đông Nam Ukraine xuất hiện, hoàn toàn có khả năng các thủ lĩnh của Maiđan sẽ đề nghị một sự giúp đỡ gìn giữ hòa bình cho cả nước.
|
Xe bọc thép Ukraine.
|
Thứ ba, sự lo ngại của Kiev về khả năng các hoạt động quân sự từ Nga là do chính quyền Ukraine hiểu rằng sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Liên bang Nga vẫn chưa đạt được hết các mục tiêu chiến lược mà họ đã đề ra.
Thực tế, Crimea hầu như bị cắt rời khỏi sự cung cấp năng lượng và cấp nước. Vẫn coi là “một phần không thể tách rời”, chính quyền Kiev hiện nay tạm thời chưa phong tỏa cung cấp nước và năng lượng ở Crimea. Nhưng không thể loại bỏ khả năng của những hành động như vậy. Rõ ràng theo cách đánh giá này, chính quyền Crimea hoan nghênh mọi hành động của các hàng xóm có chung đường biên giới sáp nhập vào Crimea, cũng có nghĩa là các khu vực này có khả năng gia nhập vào thành phần Nga.
“Dù không rõ xu hướng này có thể phát triển tới đâu, song sự thật là sau khi Crimea trở thành chủ thể của Liên bang Nga thì mong muốn ly của các khu vực sát Crimea đã tăng lên”, ông Vladimir Georgievich Mukhin cho biết.
Rõ nét nhất, hôm 23/3, Hội đồng làng Strelkovoye thuộc tỉnh Kherson nằm trên biên giới Ukraine – Nga đã quyết định cho dân chúng gia nhập vào thành phần Crimea - nghĩa là Nga. Hiện chưa rõ phản ứng của Moscow trước những hành động như vậy còn chính quyền Kiev đương nhiên rất phẫn nộ. Theo truyền thông địa phương, tuần trước đã có xung đột giữa các Lực lượng vũ trang Ukraine với dân quân tự vệ Crimea vì điểm dân cư này. Nguyên nhân rất đơn giản, trên lãnh thổ làng có mỏ khí thiên nhiên (cung cấp 130.000 mét khối/ngày đêm) và suối nước nóng.
|
Biểu tình ủng hộ Nga ở thành phố Donetsk.
|
Ngoài ra, gần đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trên eo đất hẹp Crimea cũng đã xuất hiện những vấn đề tranh chấp lãnh thổ biên giới và dân địa phương không hài lòng với chính quyền Ukraine. Mong muốn li khai ở đây là do dân cư các làng Stavka, Chaban Đỏ, Kairka, Makarovka của tỉnh Kherson trong nhiều thập kỷ đã làm việc ở nhà máy liên hợp hóa chất “Titan” cách đó không xa, nhưng ở Crimea. Tuy nhiên, bây giờ cơ sở công nghiệp chiến lược này đối với họ đã ở nước ngoài. Việc đi làm ở xí nghiệp của dân chúng địa phương gặp khó khăn do đã có các trạm kiểm soát và trạm gác biên phòng được thiết lập.
“Tấm gương Crimea trở thành dễ lây lan đối với nhiều khu vực có nhiều người nói tiếng Nga của Ukraine. Tâm trạng phản kháng chống lại chính quyền của Maiđan đang tăng lên. Xu hướng của các vùng đã nêu trên muốn tự lập nhiều hơn, muốn thể chế liên bang và có liên hệ chặt chẽ với đồng bào trùng hợp với mục đích của Nga ở Crimea - có khu vực đệm hữu hảo, khu vực mà các vùng miền Nam và miền Đông Ukraine sẽ muốn thử thành lập. Rất muốn tin rằng yếu tố quân sự trong các quá trình này sẽ không phải là chủ đạo”, ông Mukhin cho biết.
Nguyễn Vũ