|
Lực lượng xe tăng Nga
|
Nhiều quan sát viên nước ngoài cho rằng đợt tập trận này như là sự phô trương sức mạnh đồng thời là dấu hiệu về lo ngại của Nga trước những nguy cơ đến từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhưng chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược (Nga) cho rằng các cuộc tập trận “đại qui mô” này không gắn liền với lo ngại của Moscow với thái độ của nước láng giềng này hay quốc gia lân cận khác. Ban lãnh đạo Nga chỉ nhằm phân tích kết quả của công cuộc cải tổ quân đội đại qui mô tiến hành từ năm 2008 và hoạch định phương thức mới về kiểm soát chu trình chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Cuộc tập trận lớn có sự tham gia của Quân khu Đông và một số đơn vị của Quân khu Trung tâm ở Siberia là đợt "kiểm tra bất thường” về trình độ sẵn sàng chiến đấu. Không hề có cảnh báo và sự chuẩn bị trước, quân đội nhận được lệnh rút khỏi địa điểm đồn trú thường xuyên và triển khai thi hành nhiệm vụ được giao phó. Và đây không phải là lần thứ nhất diễn ra "tổng kiểm tra bất thường về trình độ sẵn sàng chiến đấu”.
Đợt kiểm tra đầu tiên được tiến hành vào tháng 2/2013 với lực lượng của các Quân khu Trung tâm Quân khu Nam. Hồi tháng Ba, cuộc kiểm tra tương tự diễn ra với một bộ phận của Quân khu Nam và khu vực bờ Biển Đen. Tháng Năm, đợt thao diễn bất thường thực hiện ở lực lượng thuộc Quân khu Tây.
Một phần của kịch bản tập trận là kiểm tra hệ thống điều khiển chỉ huy. Mệnh lệnh tập trận do đích thân Tổng thống Vladimir Putin kiêm Tổng Tư lệnh tối cao lực lượng vũ trang Nga ban ra. Trong đó mệnh lệnh về bắt đầu cuộc thao diễn của các đơn vị Quân khu Nam đã được truyền đi từ khoang chuyên cơ tổng thống, vào thời điểm khi ông Putin đang bay đi thực hiện chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Nam Phi.
Như vậy, dù là bất thường không báo trước, nhưng cuộc tập trận ở Quân khu Đông vẫn là nằm trong khuôn khổ hiện thực thường xuyên này. Đồng thời, cũng có khác biệt so với những đợt kiểm tra trước, về cơ số thành viên tham gia cũng như trang bị của các quân nhân. Trong những cuộc kiểm tra trước đây, thường là với số lượng binh sĩ tương đối nhỏ, từ 7.000 đến 9.000 quân. Thêm nữa, kiểm tra trước hết là hệ thống điều khiển và liên lạc, giao thông vận tải cũng như tính cơ động của các đơn vị.
Quân khu Đông là lớn nhất ở Nga về tỷ lệ địa bàn. Ngay từ thời Liên Xô, ở đây vẫn có cơ sở hạ tầng đáng kể và dựa trên nhóm quân lớn. Đương nhiên, Nga thi hành những biện pháp để giữ gìn những cơ sở và lực lượng này theo đúng nề nếp cần thiết. Trong quá khứ, các đơn vị của Quân khu Đông ngày nay cũng đã từng tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu ở vùng Bắc Kavkaz.
Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có một số điểm bất ổn tiềm ẩn. Tại địa bàn này có nhiều khả năng nảy sinh khủng hoảng quân sự với hậu quả không thể lường trước. Minh chứng cụ thể về điều đó là những sự kiện gần đây trên bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Nga cho thấy rằng đặc điểm này đã được tính đến trong kế hoạch xây dựng quân đội. Đồng thời, Nga không thấy ở đây có mối đe dọa đến từ bất kỳ quốc gia nào. Liên bang Nga không can dự vào những mâu thuẫn khu vực, còn tranh chấp lãnh thổ của Nga với Nhật Bản là vấn đề mang tính chất lâu dài và khó có thể biến thành nguồn gốc gây đối đầu quân sự.
Văn Bình (theo VOR)