Một trang báo mạng Mỹ nhận định rằng Nga đã thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn khái niệm “phân bổ sát thương” so với người Mỹ khi biến các tàu chiến nhỏ của Hạm đội Caspea trở thành “vũ khí đầy uy lực” trong chiến dịch quân sự ở Syria.
|
Hình ảnh trong một cuộc diễn tập của Hạm đội Caspi.
|
Theo Defense News, hôm 7/10, các tàu chiến thuộc Hạm đội Caspea của Nga đã phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr-NK tiêu diệt phiến quân IS ở khoảng cách 1.500 km. Trên thực tế, việc tiến hành một cuộc tấn công có độ chính xác cao ở một khoảng cách xa bằng những chiếc tàu nhỏ, rẻ tiền là một bước đột phá trong chiến tranh hải quân.
Trước đó, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng các tàu chiến Nga hoạt động ở biển Caspea khép kín chỉ là một lực lượng địa phương. Tuy nhiên, họ đã ngỡ ngàng khi thấy tên lửa hành trình có độ chính xác cao Kalibr (tương tự như tên lửa Tomahawk của Mỹ) cũng có thể được phóng ra từ các tàu chiến nhỏ như tàu hộ vệ tên lửa Buyan-M.
Defense News dẫn lời của Giáo sư Milan Vergo làm việc Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ cho hay, nhiều chuyên gia hải quân thế giới đã đánh giá thấp sức mạnh tiềm ẩn của những tàu chiến loại nhỏ đó.
|
Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình tấn công IS ở Syria từ biển Caspea hôm 7/10.
|
Một số quan chức Mỹ cho biết có nhiều cách để tiêu diệt các mục tiêu của phiến quân IS ở Syria. Thế nhưng, việc phóng tên lửa hành trình Kalibr từ tàu chiến nhỏ làm cho thế giới thấy rằng Nga đã làm chủ công nghệ tên lửa hành trình và có thể triển khai tác chiến một cách độc đáo, hiệu quả.
Chuyên gia hải quân Brian Clark tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) giải thích rằng việc phóng tên lửa từ các tàu loại nhỏ như Nga làm hôm 7/10 là một phương thức “phân bổ sát thương”, qua đó cho phép lắp đặt tên lửa trên nhiều tàu nhỏ. Những tàu nhỏ mang theo tên lửa có thể phân tán theo nhiều hướng nhằm tránh bị phát hiện và trong trường hợp cần thiết, chúng có thể tập trung lại để phát huy sức mạnh tổng hợp. Từ lâu, Mỹ đã muốn thực hiện phương thức tác chiến nói trên, nhưng người Nga đã đi trước một bước và thành công mỹ mãn.
Theo chuyên gia Clark, các tàu chiến nhỏ mang theo tên lửa hành trình của Nga chỉ có lượng giãn nước 900 tấn, khó bị phát hiện hơn so với tàu tác chiến ven bờ (LCS) có lượng giãn nước 4.000 tấn của Mỹ. Ông cho biết, do giá thành rẻ, nên các tàu hộ vệ Buyan-M có thể được mua với số lượng lớn (so với tàu LCS) và có thể lắp đặt các tên lửa hạm đối đất. Chuyên gia hải quân Clark thừa nhận Mỹ đang phát triển một phiên bản nâng cấp của tàu LCS nhưng không chắc sẽ phát huy sức mạnh như tàu hộ vệ mang tên lửa Kalibr của Nga.
|
Ảnh một tàu chiến phóng tên lửa.
|
Trong khi đó, theo đài Sputnik News, chuyên gia quân sự David Axe đã bày tỏ sự ngưỡng mộ về việc bốn tàu chiến nhỏ thuộc Hạm đội Caspea phóng 26 tên lửa hành trình trong chiến dịch đánh IS ở Syria. Ông Axe nói: “Cuộc tấn công này đã gây sốc cho các nhà quan sát nước ngoài… Một trong những bất ngờ lớn là các tàu chiến nhỏ có lượng giãn nước chỉ 1.000 tấn lại có thể phóng tên lửa hành trình tấn công”.
Ông Axe dẫn lại thông tin từ Eric Wertheim (tác giả cuốn Hạm đội tàu chiến trên thế giới) cho biết, học thuyết mà Hải quân Nga theo đuổi từ lâu luôn đề cao sức mạnh hỏa lực, kể cả với những tàu chiến nhỏ.
“Chúng (tức tàu chiến Nga bắn tên lửa vào mục tiêu IS ở biển Caspi) chẳng cần phải đi đâu cả. Chúng không cần tiếp nhiên liệu để vượt qua những chặng đường dài”, tác giả Wertheim viết trong cuốn sách trên.
Thanh Nga (theo Sputnik)