Thả Mubarak không làm thay đổi chính trường Ai Cập

Google News

(Kiến Thức) - Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak được trả tự do trong ngày hôm nay, nhưng sẽ bị quản thúc tại gia để tránh gây thêm rắc rối cho chính phủ lâm thời.

Cựu Tổng thống Hosni Mubarak trong tù
Cựu Tổng thống Hosni Mubarak, 86 tuổi, từng lãnh đạo Ai Cập suốt 30 năm cho đến khi ông bị lật đổ trong cuộc nổi dậy đầu năm 2011. Ông vẫn bị cấm đi ra nước ngoài và vẫn phải đối mặt với một phiên tòa tái thẩm về tội liên đới vào vụ giết người biểu tình trong năm 2011. Phiên tòa tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra ngày Thứ Bảy tới (24/8).
Nhà phân tích Gamal Zahran, trưởng khoa Khoa học chính trị tại Đại học Port Said, nhận định vì đã quá già và vẫn còn phải đối mặt với các thủ tục pháp lý, việc ông Mubarak được trả tự do sẽ không làm thay đổi tình hình chính trị ở Ai Cập.
Việc trả tự do cho ông Mubarak cũng sẽ không làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã đối đầu giữa chính quyền quân sự và tổ chức “Anh em Hồi giáo”, sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Mursi và bắt giữ nhiều nhà lãnh đạo của tổ chức này.
Chỉ có điều việc chính quyền quân sự trả tự do cho ông Mubarak sẽ gửi "thông điệp tiêu cực đến xã hội", vì ông này đã lạm dụng quyền hạn để tham nhũng.
Trong khi cựu Tổng thống Mubarak có thể rời khỏi nhà tù Tora, thì các thành viên hàng đầu của tổ chức “Anh em Hồi giáo” vẫn bị giam giữ ở đây.
Chính quyền Ai Cập hôm Thứ Tư (21/8) bị bắt giữ giáo sĩ Hồi giáo cứng rắn Safwat Hegazi và phát ngôn viên của tổ chức “Anh em Hồi giáo” Morad Mohamed Ali, khi hai nhân vật này đang tìm cách chạy trốn sang Libya và Rome. Hai ngày trước, nhà lãnh đạo hàng đầu của “Anh em Hồi giáo” Mohamed Badie đã bị bắt và bị tạm giam 15 ngày, với tội danh ra lệnh giết chết những người biểu tình đối lập.
Nhà phân tích chính trị Nabil Zaki cho rằng "chế độ Mubarak là một phần trong lịch sử Ai Cập đương đại và ảnh hưởng của chế độ này sẽ còn kéo dài”. Ông cho rằng rốt cuộc cựu Tổng thống Hosni Mubarak sẽ được ân xá do đã quá già và sẽ không mất nhiều thời gian để dân chúng chấp nhận sự ân xá này.
Thái độ giận dữ đối với chế độ Mubarak đã giảm rõ ràng, sau khi các công dân Ai Cập so sánh với chế độ tồi tệ của “Anh em Hồi giáo”.
Nhà phân tích Zaki nói với Tân Hoa Xã: “Những điều tồi tệ mà những người Hồi giáo đã làm trong một năm cầm quyền tương đương với những gì mà chế độ Mubarak đã làm trong suốt 30 năm”. Không những thế, những người ủng hộ Mubarak cũng không xuống đường biểu tình đập phá khi ông này bị lật đổ như những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống Mohamed Mursi.
Ngược lại, nhà phân tích Samir Ghatas - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Maqdes Cairo - cho biết việc trả tự do cho Mubarak sẽ khuấy động thêm bất ổn chính trị ở trong nước. Những người ủng hộ “Anh em Hồi giáo” sẽ xuống đường chống lại Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah Sisi, người đã bắt giữ Tổng thống Mursi và thả cựu Tổng thống Mubarak.
Tình hình Ai Cập vốn đã phức tạp và việc thả ông Mubrak, mặc dù không tuyên bố trắng án, sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn nữa.
Lê Chân (theo Xinhua)