Thấy gì sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe?

Google News

Chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản là một động thái hợp logic với chính sách đối ngoại mà nội các ông Abe thực thi suốt năm 2013.

Đối với cuộc tranh cãi về vấn đề chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, ban đầu, Bắc Kinh không yêu cầu Tokyo ngay lập tức trả lại các hòn đảo đó. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ yêu cầu họ thừa nhận vấn đề lãnh thổ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã chọn lựa một lập trường cứng rắn. Tokyo tuyên bố, vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở quần đào Senkaku/Điếu Ngư không hề tồn tại, vì thế không có gì để thảo luận.
Kết quả là, suốt năm 2013, Trung Quốc đã có những động thái khiêu khích chống Nhật Bản như phái các tàu đánh cá, tàu tuần tra và máy bay tới khu vực tranh chấp. Tình hình căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật và tâm trạng chống Nhật Bản ở Trung Quốc đã đạt mức cao nhất.
Chuyến thăm của ông Abe đã khiến các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc một phen dậy sóng.
Trong khi đó, các cuộc tham vấn nhằm giải quyết vấn đề lãnh thổ được các nhà ngoại giao Nhật Bản và Trung Quốc tổ chức vào mùa thu năm 2013 đã không mang lại kết quả.
Song song với điều này, trong năm 2013, Nhật Bản cũng chú ý theo dõi sự phát triển quan hệ Trung-Mỹ. Nhật Bản lo ngại rằng, Trung Quốc và Mỹ cố gắng đạt thỏa thuận về việc phân chia khu vực ảnh hưởng hoặc về sự thống trị chung sau các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai siêu cường diễn ra vào hồi tháng 6 và tháng 12.
Cuối cùng, Tokyo đã đi đến kết luận rằng, nỗi sợ hãi này là vô căn cứ. Mỹ chưa sẵn sàng coi Trung Quốc là một đối tác bình đẳng, còn Trung Quốc không muốn đóng vai thứ yếu. Điều đó có nghĩa là, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng, vì vậy Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự.
Tokyo đưa ra minh chứng cho nhận định trên thông qua việc Bắc Kinh công bố thành lập Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông hồi tháng 11. Đây được coi là giọt nước tràn ly khiến Thủ tướng Shinzo Abe quyết định tới thăm ngôi đền Yasukuni.
Theo VOR