Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực tiếp xúc với các quốc gia khu vực và các đồng minh để thảo luận về tình hình Syria.
|
Quan hệ giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có thời khá thân thiện. Ảnh: Hürriyet Daily News |
Nhà quan sát chính trị hàng đầu Zeynep Gürcanlı của nhật báo tờ Sözcü nói với Sputnik Thổ Nhĩ Kỳ rằng nỗ lực thay đổi chính sách đối ngoại và tìm cách hòa giải với Assad có thể là hậu quả của những hoạt động ngoại giao gần đây của Ankara.
Nhà quan sát chính trị Zeynep Gürcanli nói với Sputnik Thổ Nhĩ Kỳ: "Hiện nay, có lẽ những bước đi quan trọng nhất đã được thực hiện trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ về việc xa rời chiến lược truyền thống 16 năm qua của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Các nhà lãnh đạo AKP thường nói rằng 'Nếu không có sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ, một con chim cũng không thể bay vào khu vực này’. Từ những lời hùng biện như vậy, Ankara đã xây dựng chính sách Syria và Iraq một thời gian dài. Nhiều biện pháp đã được áp dụng nhằm phục vụ lợi ích của Ankara trong khu vực. Bây giờ, chúng ta đang chứng kiến việc Thổ Nhĩ Kỳ dần dần từ bỏ chiến lược này. Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đang có những nhượng bộ nhất định".
Ông Gürcanli cho rằng "Thổ Nhĩ Kỳ đang vấp phải nhiều khó khăn lớn" liên quan đến tình hình ở tỉnh Idlib, phía bắc của Syria và khu vực Afrin do lực lượng người Kurd kiểm soát. Ông nói thêm: “Chính phủ AKP ban đầu theo đuổi mục tiêu thay thế lãnh đạo hiện nay ở Syria và chính phủ Assad đã bị coi là kẻ thù.Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tìm cách để hòa giải với (Tổng thống Syria) Assad. Các chuyến thăm Ankara của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga và Iran liên quan đến cuộc thảo luận về tình hình tại Idlib, Afrin và vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ công nhận các nhà chức trách Syria”.
Hiện thời, tỉnh Idlib đang nằm dưới sự kiểm soát của những phần tử khủng bố vốn bị Nga, Iran và chính phủ Assad “đặt vào tầm ngắm”. Mỹ cũng rất quan tâm đến tình hình ở tỉnh Idlib.
Nhà quan sát chính trị Zeynep Gürcanli nói tiếp: "Do đó, vấn đề Idlib cần được giải quyết, nhưng nó phải được giải quyết theo hướng các tay súng nổi dậy và gia đình của họ… không thể vượt biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ. Các giải pháp cho vấn đề này nằm trong việc đặt khu vực này (tỉnh Idlib) dưới sự kiểm soát của chính phủ Assad”.
“Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một điều kiện và đó là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd phải rút khỏi khu vực Afrin mà họ đang kiểm soát. Có vẻ như, chủ đề thảo luận chính mà các bên đang cố gắng giải quyết bằng ngoại giao là đặt Afrin và Idlib dưới sự kiểm soát của các lực lượng chính phủ Syria”. Bà Gürcanli cho rằng một công thức ít đau đớn nhất đối với các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết vấn đề này đang được tìm kiếm.
Đáng chú ý là hồi đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo chấm dứt hỗ trợ của Liên minh Quốc gia các Lực lượng Cách mạng và đối lập Syria (NCFROF), Các chuyên gia địa phương nhận định đây là "cử chỉ thiện chí của Ankara đối với Damascus". Tuy nhiên, Tổng thống Assad hồi tuần trước lại nói rằng rằng Damascus không coi Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác.
Gần đây, Ankara đã tham gia đàm phán với các nhà ngoại giao và các đại diện quân sự nước ngoài về tình hình ở Syria. Đặc biệt, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Iran đã tới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp theo đó là chuyến thăm Jordan của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã đến Ankara. Theo dự kiến, sẽ có chuyến thăm Ankara của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov.
Tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 23/8, Tổng thống Erdogan đã thảo luận về mối quan tâm của Ankara đối với việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd trong khu vực.
Về cuộc gặp Erdogan-Mattis ở Ankara, chuyên gia Toğrul İsmayil của Đại học Kinh tế và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh Sputnik: "Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nên phát triển hợp tác song phương trong khu vực, vì đây là chìa khóa để tăng cường vị thế của hai nước. Hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác dựa trên những lợi ích riêng nhằm đảm bảo hòa bình trong khu vực, bất chấp nỗ lực gây ảnh hưởng của Mỹ và EU”.
Theo ông İsmayil, bằng cách sử dụng các phương pháp khác nhau - bao gồm cả việc hỗ trợ Đảng Dân chủ của người Kurd Syria, Washington đang thực hiện chính sách Trung Đông gây tổn hại cho các nước trong khu vực và các đồng minh của Mỹ.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân của người Kurd Syria (và Đảng Dân chủ của người Kurd Syria) có liên kết với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) - vốn đã bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh Châu Âu coi là một tổ chức khủng bố.
Minh Châu (Theo Sputnik International)