Thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng Ukraine liệu có đáng tin?

Google News

(Kiến Thức) -  Chính phủ Ukraine tuyên bố vừa đạt được thỏa thuận chấm dứt bất ổn sau khi nước này trải qua ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ.

Theo hãng tin Nga Ria Novosti, chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych hôm nay (21/2) cho biết, một thỏa thuận mở đường cho việc chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đang ngày càng leo thang ở Ukraine đã được ký kết sau các cuộc đàm phán khó khăn xuyên suốt đêm qua. Các cuộc đàm phán diễn ra dưới sự giám sát của một nhóm các phái viên Liên minh châu Âu (EU) và một hòa giải viên do Điện Kremlin bổ nhiệm.
Chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych cho biết, thỏa thuận đã được ký lúc 0h (theo giờ địa phương) nhưng không cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào.
 Chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych đơn phương tuyên bố đã đạt được thỏa thuận để giải quyết khủng hoảng chính trị đẫm máu ở Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức EU trước đó khẳng định, các cuộc đàm phán tại Kiev “vô cùng khó khăn” còn phe đối lập Ukraine vẫn chưa xác nhận thông tin mà chính quyền vừa tuyên bố. Do đó, tuyên bố về việc đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng Ukraine từ chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych hiện gây ra nhiều hoài nghi.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh, Ukraine vừa trải qua ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị bùng nổ khi ít nhất 77 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ chết chóc giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động trong 3 ngày qua.
Riêng hôm qua (20/2) có ít nhất 47 người thiệt mạng. Nhiều người trong số này là nạn nhân của các tay súng bắn tỉa. Phe đối lập thậm chí còn đưa ra con số người thiệt mạng cao hơn nhiều và cảnh báo, con số ngày đang tiếp tục gia tăng.
 Làn sóng bạo lực leo thang đang làm chao đảo Ukraine.
Cả chính quyền và phe đối lập đều gay gắt cáo buộc lẫn nhau về việc ai phải chịu trách nhiệm cho làn sóng bạo lực đẫm máu trên đường phố cướp đi mạng sống của hàng chục người.
Trước đó, chính quyền và phe đối lập ngày 19/2 đều mạnh mẽ kêu gọi đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn, để chấm dứt khủng hoảng. Nhưng ngay ngày hôm sau, hy vọng về thỏa thuận ngừng bắn tan thành mây khói sau khi người biểu tình cáo buộc chính phủ chỉ đạo các tay súng bắn tỉa bắn vào đám đông, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Trong khi đó, Bộ Y tế Ukraine cho biết, 13 nhân viên cảnh sát đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. 577 cảnh sát khác bị thương và đang được điều trị tích cực. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng, số cảnh sát bị thương trên thực tế còn cao hơn nhiều.
 Cảnh sát chống bạo động Ukraine co cụm chống lại các đợt tấn công của người biểu tình quá khích được vũ trang.
Báo chí Nga dẫn lời ông Christoph Hoerstel, chuyên gia kiêm cố vấn chính phủ người Đức cảnh báo, làn sóng bạo lực có thể được xem là dấu hiệu về sự tan rã tiềm năng của Ukraine. Đồng thời, ông Christoph Hoerstel nhận định, có những bằng chứng rõ ràng chứng tỏ, tình trạng bất ổn ở Ukraine đang được dàn dựng bởi các thế lực nước ngoài.
Theo ông Christoph Hoerstel, chính phủ Ukraine đã có nhiều nhượng bộ đối với người biểu tình. Tuy nhiên, phe đối lập tỏ ra không hề mặn mà với động thái trên đồng thời không tích cực thực hiện các cam kết của họ. Tất cả những gì đang diễn ra là tình trạng bạo lực leo thang, chết chóc và đổ máu ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Tôi không loại trừ khả năng Ukraine tan rã. Tất nhiên tôi không dám chắc về những kế hoạch, âm mưu bí mật mà Washington và EU đang vạch ra nhưng có một điều chắc chắn rằng, Mỹ đang ngấm ngầm xúi phe đối lập Ukraine không thỏa hiệp. Nga tuần trước đã gián tiếp đề nghị một thỏa thuận nhưng bị khước từ. Đề nghị trên đã không hề được đáp trả. Và rồi, dường như sự đáp trả chính là những gì chúng ta đang chứng kiến trong vài ngày qua. Do đó, các triển vọng (chấm dứt khủng hoảng Ukraine) rất mơ hồ, đặc biệt là khi Mỹ đang có những mưu đồ ranh mãnh”, ông Christoph Hoerstel nhấn mạnh.
Khi được hỏi về việc tại sao Mỹ và Tổng thống Obama lại cho rằng, họ có quyền ra lệnh, áp đặt cho các quốc gia có chủ quyền phải giải quyết khủng hoảng nội bộ như thế nào trong các tuyên bố mới đây, ông Christoph Hoerstel nhấn mạnh, các tuyên bố của Washington thực sự phiến diện.
“Không thể tin nổi Tổng thống Obama lại có thể phát biểu những điều như là các lực lượng chính phủ không được đàn áp, thách thức các cuộc biểu tình hòa bình. Bất cứ ai theo dõi diễn biến của các cuộc biểu tình trên đường phố ở Ukraine cũng đều nhận thấy rất rõ ràng rằng, người biểu tình được vũ trang đang thách thức chính quyền, các lực lượng cảnh sát và an ninh. Đây là điều mà không quốc gia nào cho phép xảy ra”, chuyên gia người Đức nhận định.
Bạch Dương (tổng hợp)