Thỏa thuận hòa bình Israel-UAE: Thành quả đối ngoại sẽ cứu Tổng thống Trump?

Google News

Đằng sau thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel với Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) là thông điệp mà Tổng thống Mỹ muốn hướng đến: Mỹ là người có khả năng tạo lập thỏa thuận hòa bình.

Khi chạy đua tranh cử vào Nhà Trắng trong năm 2016, ông Donald Trump cam kết sẽ nỗ lực và đứng ra làm trung gian tạo lập thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestines, một trong những thỏa thuận “có lẽ là khó khăn nhất” như lời ông thừa nhận.
Gần 4 năm sau, thỏa thuận đó dường như vẫn còn xa vời. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng có quyền tự hào về một thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng: Xúc tiến bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE.
Thoa thuan hoa binh Israel-UAE: Thanh qua doi ngoai se cuu Tong thong Trump?
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 13/8 sau khi thông báo về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-UAE. Ảnh: AP. 
Nhiều tháng vận động ngoại giao sau bức màn kín của Cố vấn cấp cao Jared Kushner và Đại diện đặc biệt của Nhà Trắng về đàm phán quốc tế Avi Berkowitz đã đem lại kết quả: Ngày 13/8, ông Trump ra thông báo về việc Israel và UAE đạt thỏa thuận hòa bình lịch sử, tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Thành quả này được công bố ở thời điểm không thể tốt hơn cho đương kim Tổng thống Mỹ: Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 chỉ còn cách 82 ngày. Trong cuộc họp báo tại phòng Bầu dục ngày 13/8, ông Trump cũng cho biết lãnh đạo hai nước trong vài tuần tới sẽ Nhà Trắng để ký kết chính thức, cũng là cách để tạo ấn tượng về một chiến thắng ngoại giao.
Bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE được xem là một thành tố then chốt trong Kế hoạch hòa bình Trung Đông với tên gọi “Từ hòa bình tới Thịnh vượng” mà chính quyền Trump đã theo đuổi trong hơn hai năm qua nhằm xử lý xung đột Israel-Palestines.
Dư luận Mỹ, kể cả thuộc trường phái tả khuynh lẫn hữu khuynh, đều lên tiếng ca ngợi bước đi này. Ngay cả đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden cũng thừa nhận cá nhân ông thấy hài lòng trước bước tiến này, cam kết nếu thắng cử sẽ cùng với cấp phó là bà Kamala Harris tiếp tục kiến tạo, xây dựng hòa bình ở Trung Đông trên bước đà này.
Một thông điệp được ông Trump muốn truyền tải trong buổi họp báo này chính là cam kết về rút nước Mỹ tránh xa các cuộc chiến tranh. “Tôi còn nhớ khi mình thắng cử, có người nói là Mỹ sẽ phát động cuộc chiến với một nước nào đó chỉ vài ngày sau tôi lên nắm quyền; và rồi tôi giữ nước Mỹ không dính vào các cuộc chiến”, ông Trump bày tỏ quan điểm tại phòng Bầu dục. Trên đà lạc quan, ông Trump còn cho rằng đến một thời điểm nào đó sẽ là thỏa thuận với người Palestine.
Một nước mà ông Trump muốn đạt thỏa thuận lớn là Iran, một thỏa thuận mà như phác thảo “12 điểm” được Ngoại trưởng Mike Pompeo đề ra sẽ bao gồm nhiều điều khoản mới nằm ngoài Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) ký kết hồi năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1.
“Nếu thắng cử, tôi sẽ có thỏa thuận với Iran nội trong thời gian 30 ngày, Iran sẽ nhanh chóng chấp thuận. Phía Iran đang rất muốn có thỏa thuận, nhưng họ thích đàm phán với Joe Biden hơn”, ông Trump bày tỏ.
Hình ảnh của ông Trump dưới góc độ người “chuyên tạo thỏa thuận” bị sứt mẻ sau khi những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Mỹ với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa thất bại. Giờ đây, thông điệp thứ hai về chính sách đối ngoại mà ông Trump muốn chuyển tải là: Thỏa thuận Israel-UAE mới chỉ là sự khởi đầu, sẽ có những thỏa thuận mới ở phía trước.
Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, UAE là nước thứ 3 trong khối Arập thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập (1979) và Jordan (1994). Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tối ngày 13/8 tuyên bố nước này đã “bước vào kỷ nguyên mới trong quan hệ với thế giới Arập” và cho biết sẽ có thỏa thuận kế tiếp với nhiều nước trong khối.
Bahrain nổi lên là nước kế tiếp ở vùng Vịnh có khả năng ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel. Giới chức cấp cao Israel ngày 13/8 cho biết, chính quyền nước này cũng đã có cuộc thảo luận trước đó với Bahrain về bình thường hóa quan hệ.
Bahrain cũng là một trong những nước đầu tiên lên tiếng hoan nghênh bước tiến trong quan hệ Israel – UAE. Tuyên bố của chính thức đăng trên hãng thông tấn quốc gia Bahrain nêu rõ chính quyền Manama coi đây là bước đi lịch sử, có đóng góp vào việc tăng cường hòa bình và ổn định ở khu vực.
Một quan chức giấu tên cấp cao của Mỹ cũng xác nhận, cùng với Bahrain, Oman được kỳ vọng sẽ là quốc gia tiếp theo trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) thiết lập bình thường hóa quan hệ với Israel trong tương lai gần.
Theo Hoài Thanh/Báo Tin Tức