Thủ tướng Nhật lộ kế hoạch chống Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Nỗ lực xây dựng quan hệ an ninh gần gũi hơn với ASEAN của Nhật Bản làm Trung Quốc phật lòng nhưng đẩy nhanh tiến trình hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử của các Bên trên Biển Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La. Cụ thể, ông Abe bày tỏ sự ủng hộ tối đa đối với những nỗ lực của ASEAN trong việc đảm bảo vùng biển và bầu trời.
“Nhật Bản sẽ ủng hộ hết mình trước những nỗ lực của các quốc gia ASEAN trong công tác bảo vệ vùng trời, vùng biển cũng như duy trì sự triệt để tự do hàng hải và tự do hàng không", ông Abe tuyên bố.
Tuy bài phát biểu không đề cập tới các thông tin cụ thể mà phía Nhật hỗ trợ cho các thành viên ASEAN nhưng trước đó một vài ngày, chính ông đã cho báo giới biết rằng, Tokyo sẽ cung cấp 3 chiếc tàu tuần tra mới cho phía Indonesia thông qua gói viện trợ khá lớn. Ngoài ra, Nhật cũng sẵn sàng cung cấp 10 tàu cho phía Philippines và đang lên kế hoạch hỗ trợ Việt Nam.
Thủ tướng Abe phát biểu hôm 30/5 tại Diễn đàn Shangri-La.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều động lực đứng đằng sau động thái đó của ông Abe. Một số người cho rằng, đó có thể là chiêu đánh lạc hướng của công luận quốc tế đối với vùng biển Hoa Đông, nơi Nhật-Trung đang có cuộc tranh chấp lãnh thổ ở đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, Giáo sư tới từ trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam là ông Li Mingjiang lại nghĩ rằng, ông Abe đang hy vọng xây dựng “một liên minh khu vực để gây áp lực lên Trung Quốc và khiến nước này ít quyết đoán” trong cuộc tranh chấp lãnh hải trong khu vực.
Indonesia đã công khai ủng hộ động thái này của ông Abe. Trong lần trả lời phỏng vấn trên tờ The Sunday Times, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro đã thẳng thắn ủng hộ điều này với lời giải thích rằng: “Chúng tôi muốn sinh sống trong một khu vực hoà bình và an toàn”.
Theo Giáo sư Li, mặc dầu ASEAN có thể chưa có một vị trí thống nhất đối với các liên kết an ninh của Nhật Bản với khu vực, nhưng động thái xây dựng mối quan hệ an ninh gần gũi với Nhật với khối này cũng không phải là chiêu thức để chia cắt nhóm.
Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ những việc làm của Nhật Bản đối với vụ việc này. Trên hết, một câu hỏi quan trọng đặt ra đó là, liệu Tokyo có thể khiến Bắc Kinh suy yếu và nâng cao tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Với vấn đề này, chuyên gia phân tích Jin Canrong tới từ Đại học Nhân dân Trung Quốc lập luận rằng, Bắc Kinh không nên quá lo lắng trước điều đó bởi vì mối quan hệ tổng thể của họ với khối ASEAN là “rất tốt”. Tuy nhiên, động thái này của Nhật cộng với chính sách xoay trục châu Á của Mỹ có thể thúc đẩy Bắc Kinh điều chỉnh chính sách an ninh của họ đối với ASEAN.
Tóm lại, ý định xây dựng mối quan hệ an ninh gần gũi với ASEAN của Nhật Bản sẽ là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông. Đó thực sự là một điều có lợi đối với ASEAN. Song, đối với Nhật Bản, đó có thể chưa phải là tất cả các điều mà họ mong muốn.
Thanh Nga (theo ST)