Tiết lộ số phận về hàng triệu tân binh “bí ẩn” TQ

Google News

(Kiến Thức) - Mỗi năm, số lượng quân nhân TQ lại tăng đột biến lên tới hàng triệu tân binh, nhưng chỉ một vài tuần sau đó, họ lại bỗng dưng “mất tăm mất tích”.

Chính sự kì lạ này đã khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là quan chức quân đội Mỹ “gãi đầu gãi tai” tự hỏi rằng, vụ việc kia là thế nào. Vậy số tân binh lớn của TQ đã biến mất thế nào?
Thông thường, thời tiết bắt đầu vào thu, cũng là khoảng thời gian ghi nhận sự gia tăng đột biến trong hàng ngũ Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). Chỉ trong vòng vài tuần, số lượng quân sĩ tăng lên mức chóng mặt thông qua công tác tuyển quân. Chẳng hạn, trong năm 2012, số lượng tân binh của TQ là 6 triệu, chủ yếu đều là sinh viên các trường đại học. Chính sự thay đổi này cũng khiến các cơ quan tình báo của Mỹ một phen bối rối. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tháng, số tân binh này đã “biến mất” không một chút dấu vết.
Mùa thu hàng năm cũng là mùa tuyển quân mới ở TQ. (Ảnh minh họa)
Thực chất, những “quân lính bí ẩn” đều là tân sinh viên đại học. Hàng năm, các sinh viên đại học năm nhất (cả nam và nữ) ở khắp Trung Quốc đều phải tham dự một đợt tập huấn quân sự. Đợt huấn luyện này được tổ chức ở khuôn viên trường hay căn cứ quân sự gần nhất, thường kéo dài một vài tuần trước khi kì học mới bắt đầu.
Họ được trang bị súng ngắn để thực hành bắn, hay đeo mặt phòng độc để diễn tập ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp. Ngoài việc thực hành trên thao trường, họ còn phải lên lớp để nghe các bài giảng bắt buộc về chiến lược quốc phòng hay các học thuyết của Đảng. Riêng sinh viên và giáo viên người nước ngoài không được phép tham dự lớp học này.
Thông thường, mỗi đợt học tập trung như vậy, hàng nghìn sinh viên sẽ được phân thành các đội nhỏ để dễ quản lý với các quy định nghiêm ngặt. Đơn cử, vào buổi sáng sớm, họ thức dậy rồi cùng tập đội hình đội ngũ. Chưa kể, các bài hát yêu nước sẽ liên tục vang lên vào mỗi tối. Trong suốt thời gian đó, luôn có các giám sát viên đi kiểm tra từng phòng vào sáng sớm và tối muộn.
Kết thúc khóa huấn luyện, để ghi nhận thành quả của các tân binh này, một buổi lễ hoành tráng sẽ được diễn ra với sự có mặt của các lãnh đạo của trường và các quân nhân. Điều đặc biệt, họ sẽ thường biểu diễn các màn diễu binh kiểu đi đội hình đội ngũ cho các quan khách xem.
Hầu hết các tân binh đều là sinh viên đại học năm nhất. (Ảnh minh họa)
Cần phải nói rằng, ở các trường đại học ở TQ, một vài hình thức huấn luyện quân sự đã tồn tại kể từ sau khi đất nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong năm 1985, một năm sau khi các cải cách sâu rộng trong quân đội được thực thi, các sĩ quan đã đưa ra một chương trình đào tạo thí điểm về huấn huyện quân sự ở hàng chục trường. Cũng kể từ đó, hàng trăm ngôi trường trên khắp đất nước này đều áp dụng chương trình này đối với các tân sinh viên. Ngoài ra, cả học sinh trung học và phổ thông cũng đều có một khóa học tương tự trong những ngày đầu tiên nhập trường.
Quy định bắt buộc trên của chính quyền Trung Quốc là nhằm mục đích nâng cao nhận thức về Đảng đối với các sinh viên trẻ, những đối tượng dễ bị kẻ thù nước ngoài kích động. Sau cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 của các sinh viên năm nhất trường Đại học Bắc Kinh, chính quyền đã ra quyết định buộc các sinh viên năm nhất trải qua một khóa huấn huyện quân sự kéo dài 1 năm.
Giải thích cho việc làm trên, một quan chức Bộ Giáo dục thời đó đã lên tiếng: “Chúng tôi mong muốn hướng các bạn sinh viên gần gũi hơn với những người công nhân và nông dân. Trong thời kì đất nước bất ổn, chúng tôi thực sự rất đau lòng khi nhìn thấy các bạn dần xa rời lý tưởng cách mạng của Đảng”.
Tuy nhiên, trên hết, mục tiêu chính yếu của khóa huấn luyện này là để nâng cao tính tự kỷ luật của các học viên. Sự kỷ luật hình thành từ các thói quen vào mỗi buổi sáng sớm giúp sinh viên học tập thành công và thích nghi với các thử thách trong cuộc sống.
“Tôi nghĩ rằng, cần có một khóa huấn luyện quân sự. Nếu bạn bước vào ký túc xá sinh viên, mọi thứ trong phòng đều rất lộn xộn. Do vậy, khóa học này sẽ giúp các bạn quản lý cuộc sống hàng ngày tốt hơn”, Sheng Guangxie, sinh viên năm nhất ngành công nghệ thông tin trường Đại học Tây Bắc ở tỉnh Thẩm Dương, chia sẻ.
Thanh Nga (Theo DL)