Tòa nhà ở Florida sập liên quan gì biến đổi khí hậu?

Google News

Sự sụt lún của nền đất và mực nước biển dâng nhanh ở Miami làm dấy lên giả thuyết rằng tòa nhà Champlain Towers South sụp đổ vì không thể thích nghi với biến đổi khí hậu.

Vụ sập tòa nhà Champlain Towers South bên bờ biển Surfside thuộc thành phố Miami, bang Florida vào ngày 24/6 đã khiến ít nhất 10 người chết và 151 người mất tích.
Sự cố nói trên đã phá hủy 55 trong số 136 căn hộ của tòa tháp 12 tầng. Đây có thể trở thành vụ sập công trình dân sự chết chóc nhất ở Mỹ trong hai thập kỷ qua, theo Economist.
Toa nha o Florida sap lien quan gi bien doi khi hau?
Tòa nhà Champlain Towers South bên bờ biển Surfside thuộc thành phố Miami, bang Florida sập vào ngày 24/6 khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 151 người mất tích. Ảnh: AP. 
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể khiến tòa Champlain Towers South đột ngột sụp đổ vào ngày 24/6.
Bên cạnh giả thuyết về những khiếm khuyết trong thi công và bộ phận chống thấm nước không đảm bảo chất lượng, một số chuyên gia còn cho rằng tòa nhà 12 tầng đổ sụp vì không thể thích nghi với tốc độ biến đổi khí hậu.
Đất sụt và nước biển dâng
Trong một bài báo xuất bản vào năm 2020, nhà nghiên cứu Shimon Wdowinski tại Đại học Quốc tế Florida đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để lập biểu đồ sụt lún cho nền đất của tòa nhà Champlain Towers South.
Theo báo cáo trên, trong giai đoạn 1993-1999, phần móng của Champlain Towers South sụt xuống gần 2 mm mỗi năm.
Tuy nhiên, tiến sĩ Wdowinski cảnh báo rằng ông vẫn chưa xác định được liệu sự sụt lún mà ông phát hiện có liên quan đến thảm họa xảy ra hôm 24/6 hay không.
“Tôi nghĩ nhiều khả vấn đề nằm ở bản thân tòa nhà”, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc tế Florida nói.
Trong một buổi phỏng vấn vào ngày 24/6, tiến sĩ Wdowinski cho biết ông đã “rất bất ngờ khi thấy tòa nhà (Champlain Towers South) sụp đổ”.
Toa nha o Florida sap lien quan gi bien doi khi hau?-Hinh-2
Tiến sĩ Shimon Wdowinski tại Đại học Quốc tế Florida. Ảnh: Đại học Quốc tế Florida. 
Sự sụt lún không hẳn là nguyên nhân duy nhất khiến kết cấu của Champlain Towers South sụp đổ. Cùng lúc nền đất sụt lún, mực nước biển quanh Miami tăng trung bình 9 mm mỗi năm, tức gần gấp ba lần mức tăng trung bình toàn cầu. Bên cạnh đó, ngập lụt nghiêm trọng do thủy triều cũng thường xuyên xảy ra tại Miami.
Nước muối, ở cả dạng lỏng lẫn dạng tinh thể có trong không khí ẩm, khi tiếp xúc với phần đất nền trong thời gian dài đều có thể dẫn đến tình trạng hư hỏng nghiêm trong cho phần móng của tòa Champlain Towers.
Khi những ion clorua thấm qua phần bê tông và chạm tới các thành cốt thép bên trong, phần kim loại sẽ bị hoen gỉ. Các thanh này sau đó sẽ nở ra khiến khả năng chịu đựng áp suất bị giảm. Điều này dẫn đến tình trạng bong tróc của lớp bê tông xung quanh.
“Khi thiết kế một kết cấu bê tông trong môi trường tiếp xúc với nước biển, người ta thường xem việc cốt thép bị ăn mòn là nhân tố sống còn quyết định tuổi thọ của công trình”, kỹ sư Nick Buenfeld tại Đại học Imperial ở London cho biết.
Toa nha o Florida sap lien quan gi bien doi khi hau?-Hinh-3
 Kỹ sư Nick Buenfeld tại Đại học Imperial ở London. Ảnh: Twitter.
Trong một báo cáo vào năm 2018 về khu phức hợp Champlain Towers (bản báo cáo này được các quan chức Surfside công bố sau thảm họa hôm 24/6), một công ty kỹ thuật thuộc bên thứ ba đã phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy bê tông bị bong tróc.
Dẫu vậy, vào thời điểm đó, những vết bong tróc này được cho là chưa đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà.
Hồi chuông cảnh báo
Nhiều chuyên gia tin rằng điều kiện ẩm mặn ở Surfside không phải là nguyên nhân duy nhất khiến tòa nhà 12 tầng ở Miami sụp đổ vào ngày 24/6.
“Tất nhiên kết cấu của tòa nhà phải tiếp xúc trực tiếp với nước muối song đó chỉ là một yếu tố mà thôi”, Atorod Azizinamini, kỹ sư dân dụng tại Đại học Quốc tế Florida, nhận định.
Toa nha o Florida sap lien quan gi bien doi khi hau?-Hinh-4
 Atorod Azizinamini, kỹ sư dân dụng tại Đại học Quốc tế Florida. Ảnh: Đại học Quốc tế Florida.
Những phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho thấy ngày càng nhiều tòa nhà phải chịu áp lực từ tình trạng biến đổi khí hậu, vốn là một nhân tố không nằm trong tính toán khi các công trình này được thiết kế, theo Economist.
Một báo cáo được công bố vào năm 2019 bởi Viện Kỹ sư Cơ khí của Anh, phối hợp với Viện Rising Seas có trụ sở tại Florida, cảnh báo rằng cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng trước tốc độ dâng cao của mực nước biển.
Sự gia tăng của mực nước biển không chỉ khiến nhiều công trình bị ăn mòn hơn, mà còn dẫn đến nguy cơ lũ lụt cao hơn, gián đoạn các dịch vụ thiết yếu và tăng áp lực lên những giá đỡ kết cấu.
Giới khoa học khuyến cáo rằng các công trình xây dưng nên được ưu tiên đánh giá thường xuyên và gia cố định kỳ, trong bối cảnh mực nước biển được dự đoán sẽ dâng thêm 3 m vào năm 2100.
Tùy thuộc vào kết quả của cuộc điều tra, sự sụp đổ của Champlain Towers South có thể chứng minh tại sao những thay đổi nêu trên là cần thiết, tờ Economist nhận định.
Theo Đại Hoàng/Zingnews.vn