Tổng thống Donald Trump chọc tức các đồng minh Châu Âu

Google News

(Kiến Thức) - Theo nhà phân tích Alexandra von Nahmen, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã “thành công” trong việc chọc tức các đồng minh ở Châu Âu.

Với chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Tổng thống Donald Trump muốn cho thấy cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết” của ông tương thích với vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.
Tong thong Donald Trump choc tuc cac dong minh Chau Au
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May tại lễ khai trương Đại bản doanh mới của NATO ở Brussels. Ảnh: Reuters 
Chuyến công du này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều tuần. Từ Riyadh, Tổng thống Donald Trump bay thẳng đến Jerusalem - một con đường độc đạo vì không có các chuyến bay thẳng nào từ Ả-rập Xê-út đến Israel. Từ “Đất thánh” Jerusalem, ông Trump bay đến “Thánh địa” Vatican và sau đó chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông đã kết thúc với Hội nghị NATO ở Brussels và Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Taormina trên đảo Sicily của Italy.
Đó là một chuyến đi mang lại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cơ hội để tỏa sáng trên chính trường thế giới.
Nhưng thật trớ trêu, có rất ít nội dung thực chất đằng sau những hình ảnh đẹp và thông báo “đao to búa lớn”. Nhà Trắng không thể chứng minh lời hứa và các sáng kiến của Tổng thống Donald Trump bằng các chi tiết thực chất.
Làm thế nào để thực thi Tuyên bố Riyadh về ngăn chặn các nguồn lực tài chính của các phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan và những người ủng hộ chúng? Giới phân tích băn khoăn tự hỏi: Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Donald Trum sẽ được cụ thể hóa như thế nào?
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên này cho thấy Tổng thống Donald Trump quá thiên về “chính sách đối ngoại giao dịch” - một chính sách đặc trưng bởi các lợi ích cạnh tranh với nhau và cần phải thương lượng liên tục. Để thuyết phục các chính phủ Hồi giáo chủ yếu gia nhập liên minh chống những nhóm Hồi giáo cực đoan, Tổng thống Donald Trump đã phải nhượng bộ, để cho các nhà lãnh đạo bị coi là độc tài cơ hội tự do điều hành đất nước “tùy theo sở thích”.
Để nhận được sự hỗ trợ của Ả-rập Xê-út và Israel, Tổng thống Donald Trump đã hăm dọa Iran. Chỉ có điều sự hăm dọa này dường như không đồng nghĩa với việc Washington sẽ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Tehran, vốn đã được ký kết cùng với một số đối tác khác. Tuy nhiên, hành động nói trên lại có thể dẫn đến tình trạng bùng phát bạo lực mới trong khu vực giữa người Hồi giáo Shiite và người Hồi giáo Sunni.
Các đồng minh Châu Âu đã theo dõi màn trình diễn này, với tâm trạng bối rối và kinh hoàng. Ngoài ra, ở Brussels, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cay nghiệt chỉ trích nhiều đối tác trong NATO về chi tiêu quốc phòng. Đáng nói là điều này đã diễn ra tại một buổi lễ, trong đó NATO tôn vinh quá khứ và hướng tới tương lai.
Nhà phân tích người Đức Alexandra von Nahmen kết luận: Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ những cuộc đàm phán chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Taormina và đặt ra khá nhiều câu hỏi. Chính sách "Nước Mỹ trên hết” có thể tạo ra các thoả thuận đặc biệt nhất thời, nhưng lại làm mất đi các đối tác lâu dài và đáng tin cậy.
Minh Châu (Theo DW)