|
Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn nỗ lực vận động cho một cuộc tấn công quân sự vào Syria.
|
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội cho một cuộc tấn công “có giới hạn” vào Syria, với cáo buộc chế độ Assad đã vượt qua “vạch đỏ” khi dùng vũ khí hóa học nguy hiểm tấn công dân thường.
Bài phát biểu trên truyền hình hôm 10/9 của Tổng thống Obama được coi là một phần nỗ lực để “mua thời gian” và lôi kéo sự ủng hộ của các nhà lập pháp còn do dự.
Nhưng giới phân tích cho rằng nước Mỹ có nguy cơ bị sa vào “vũng lầy nội chiến Syria” và lập luận rằng hành động quân sự chỉ bổ sung thêm một cầu thủ vào một trận đấu mà chưa có bên nào chiếm ưu thế.
Jeffrey Martini, một nhà phân tích Trung Đông của nhóm nghiên cứu Rand Corp, nói với Tân Hoa Xã rằng cuộc tấn công quân sự có thể kéo Mỹ vào một loại hình xung đột mà cho đến nay Washington vẫn tìm cách né tránh.
Các chuyên gia khác cho rằng mặc dù chính quyền Obama tuyên bố sẽ “tấn công hạn chế”, nhưng cuộc can thiệp quân sự này có thể leo thang và tạo ra một mớ hỗn độn để Tổng thống Mỹ kế nhiệm dọn dẹp trong năm 2016.
Một số thắc mắc về mục đích tấn công quân sự của chính quyền Obama vì cho đến giờ, Nhà Trắng chỉ tiết lộ rất ít về các mục tiêu quân sự, nếu Mỹ thực hiện một cuộc tấn công vào Syria.
Erica Borghard, một chuyên gia độc lập về chính sách đối ngoại của Mỹ, cho biết chính phủ Syria có thể dễ dàng khắc phục được những thiệt hại do một cuộc tấn công hạn chế gây ra.
Trong khi đó, Mỹ có nguy cơ bị coi là “hổ giấy”, khi cuộc tấn công hạn chế chỉ gây thiệt hại tối thiểu cho Damascus và kích động các phần tử khủng bố.
Trong năm 1998, hai tuần sau khi al-Qaeda tấn công 2 đại sứ quán của Mỹ ở Châu Phi, Tổng thống Bill Clinton ra ra lệnh phóng tên lửa hành trình vào một nhà máy ở Sudan và một trại huấn luyện của al-Qaeda ở Afghanistan.
Nhưng các cuộc tấn công nói trên chỉ gây ra thiệt hại không đáng kể và chỉ kích động al-Qaeda tiến hành các cuộc tấn công 11/9/2001 vào New York và Washington DC - các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử Mỹ.
Tất cả điều này đẩy Tổng thống Obama vào tình thế khó xử. Nếu không hành động sau khi đã tuyên bố rất hùng hồn về “giới hạn đỏ”, đây sẽ là một đòn nặng giáng vào uy tín của Mỹ trên toàn thế giới. Nhưng mặt khác, người Mỹ lại không muốn có một cuộc chiến tranh thứ ba trong vòng 12 năm, sau cuộc xung đột đẫm máu tại Iraq và một cuộc chiến tranh kéo dài “hao người tốn của” ở Afghanistan, bắt đầu từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Trong các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ, Tổng thống Obama có thể nhận được sự ủng hộ của đảng Dân chủ đang kiểm soát Thượng viện, nhưng Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát mới là một rào cản khó vượt qua.
Cuộc bỏ phiếu khó khăn này lại diễn ra trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Hạ viện Mỹ trong năm 2014. Với việc đa số người Mỹ phản đối cuộc tấn công quân sự vào Syria, các hạ nghị sĩ Mỹ cũng không muốn gánh chịu rủi ro qua cuộc bỏ phiếu tấn công Syria mất lòng dân này.
Lê Chân (theo Xinhua)