|
Dòng chữ ghi khẩu hiệu: "Làm việc siêng năng, chăm chỉ. Trung thành với Đảng. Trung thành với nhân dân” tại Căn cứ hạt nhân tối mật.
|
Sau khi chuyển đổi thành công, căn cứ hạt nhân mật sẽ đón “các tour du lịch Đỏ” dành cho những người ủng hộ Đảng Cộng sản.
Ngày nay khi tìm về vùng Tây Bắc xa xôi và hiểm trở của Trung Quốc, không ai có thể tìm thấy dấu vết của Căn cứ chỉ huy núi Đỏ (nằm trong dãy Thiên Sơn, trong tiếng Duy Ngô Nhĩ có nghĩa là ngọn núi trời). Các sách hướng dẫn du lịch không đề cập đến địa danh này. Manh mối duy nhất gợi nhớ đến quá khứ của địa danh này là những khẩu hiệu hoen ố trên trên những tỏa nhà đổ nát như: “Làm việc siêng năng, chăm chỉ. Trung thành với Đảng. Trung thành với nhân dân”.
|
Công nhân xây dựng đang làm việc để "hô biến" căn cứ hạt nhân tối mật thành công viên.
|
Cách đây gần nửa thế kỷ, Căn cứ ở vùng Tân Cương này được xếp vào loại bí mật bậc nhất thế giới và được canh phòng cẩn mật. Bởi đây là nơi các nhà khoa học ngày đêm làm việc vất vả ghi danh Trung Quốc vào danh sách những cường quốc hạt nhân, bên cạnh Mỹ, Nga, Pháp, Anh.
Khi Mỹ và Liên Xô chạy đua vu trang trong Chiến tranh Lạnh, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã quyết định, Trung Quốc cũng cần và phải chế tạo, sở hữu bom hạt nhân để đảm bảo khả năng răn đe, chống lại sự bắt nạt của Chủ nghĩa Đế quốc.
Và tại căn cứ bên trong sa mạc Taklamakan, những nhà khoa học và quân sự có bộ óc siêu việt, xuất sắc nhất đã được tập hợp lại để tiến hành “một cuộc cách mạng hạt nhân” với tốc độ gần như không thể tin mà sau này sẽ thay đổi đất nước họ mãi mãi.
3 giờ chiều 16/10/1964, chỉ 5 năm sau khi Căn cứ chỉ huy được thành lập, các nhà khoa học, quân sự của Quân đội Trung Quốc (PLA) đã tiến hành thử quả bom nguyên tử đầu tiên tại bãi thử gần đó. Quả bom có sức công phá 22 kiloton nổ, thắp sáng bầu trời sa mạc, đánh dấu sự thành công của Trung Quốc trong công cuộc chế tạo bom nguyên tử, đồng thời khẳng định vị thế của nước này là một trong 5 cường quốc chính thức tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo truyền thông Trung Quốc, Căn cứ Núi Đỏ chính thức ngừng hoạt động vào năm 1986. Nhưng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, phần lớn được tiến hành dưới lòng đất của Trung Quốc, tiếp diễn cho đến năm 1996, khi Bắc Kinh ký hiệp ước cấm thử nghiệm toàn diện.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm hồi đầu năm nay, Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 250 trong tổng số 17.270 vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và dường như đang nỗ lực mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
|
Máy xúc đang làm việc tại căn cứ hạt nhân bí mật của Trung Quốc tại Tân Cương.
|
Ngày nay, sau gần 50 năm kể từ khi được thành lập, Căn cứ hạt nhân tối mật của Trung Quốc bị bỏ rơi trở nên hoang tàn và đổ nát. Bất ngờ, sau nhiều năm bị bỏ mặc, Bắc Kinh đầu tư 300 triệu nhân dân tệ (gần 50 triệu USD) để “hô biến” nơi đây thành công viên chủ đề Đảng Cộng sản với các “tour du lịch Đỏ”.
Dự kiến, sau khi chuyển đổi hoàn thành, căn cứ sẽ bao gồm Phố mua sắm theo chủ đề Cộng sản, khu nghỉ dưỡng kiểu spa dành cho quân nhân và thậm chí cả các bãi cưỡi ngựa. Du khách sẽ được tham quan khu trưng bày các phương tiện quân sự, nơi trú ẩn tránh các cuộc oanh tạc trên không được tân trang lại và một trung tâm biểu diễn nghệ thuật.
Việc chuyển đổi Căn cứ hạt nhân thành công viên là kế hoạch tham vọng, dự kiến hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm lần ra mắt đầu tiên của bom nguyên tử Trung Quốc. Bắc Kinh cũng kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch hạt nhân nổi tiếng thế giới, được quốc tế ca ngợi và đóng vai trò là nơi giáo dục lòng yêu nước cũng như biến Tân Cương thành một điểm đến của các tour “du lịch Đỏ”.
Bạch Dương (theo Telegraph)