Video Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H (Nguồn The Guardian):
Tàu Trung Quốc ở gần vùng biển Nhật Bản
Một tàu thu thập thông tin tình báo của Hải quân Trung Quốc được cho là xuất hiện ở ngoài khơi bán đảo Boso, tỉnh Chiba, Nhật Bản hồi đầu tháng 2/2016. Cũng trong thời gian đó, căng thẳng gia tăng ở Đông Á vì Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa hồi đầu tháng Hai vừa qua. Như dự kiến, một quả tên lửa đã bay qua một hòn đảo của Nhật Bản ở tỉnh Okinawa, gần Philippines.
Sự xuất hiện đáng ngờ của con tàu do thám Trung Quốc ở ngoài khơi bán đảo Boso, phía đông Tokyo, phần nào cho thấy mối quan hệ hiện tại giữa Trung Quốc và Triều Tiên cũng như sự tương quan quân sự trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực này.
Tàu thu thập thông tin tình báo lớp Dongdiao được thiết kế để thu thập thông tin điện tử và liên lạc từ các tàu, máy bay và các cơ sở quân sự gần đó. Hải quân Trung Quốc đã điều tàu này để do thám việc Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ triển khai tàu và máy bay hồi đầu tháng Hai, để sẵn sàng phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa Triều Tiên.
Được biết, con tàu này đã tới Thái Bình Dương sau khi đi qua vùng Biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản và eo biển Tsugaru hồi tháng Hai.
|
Tàu thu thập thông tin tình báo của Hải quân Trung Quốc xuất hiện trên vùng biển quanh Nhật Bản hồi đầu tháng 2/2016. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản).
|
Cơ hội vàng
Trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột quân sự với Nhật Bản hay Mỹ, quân đội Trung Quốc sẵn sàng nã hàng trăm tên lửa đạn đạo vào căn cứ của quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để có thể vô hiệu hóa các căn cứ một cách nhanh chóng.
Nếu Bắc Kinh thực hiện vụ phóng tên lửa như vậy, Washington và Tokyo sẽ cố gắng bảo vệ căn cứ của họ và các khu vực khác bằng cách sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Nhật Bản và Mỹ đã triển bộ binh phòng thủ tên lửa và tàu khu trục Aegis có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo để chuẩn bị đối phó với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc, trước tiên, đây là một cơ hội tuyệt vời để đánh giá khả năng phòng thủ của hai cường quốc này.
Trung Quốc "ngư ông đắc lợi"?
Việc Bình Nhưỡng liên tục có những hành động khiêu khích Mỹ và Nhật Bản, chẳng hạn như tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, vô tình giúp Trung Quốc lật ngửa “con bài tẩy” mà Washington và Tokyo đang nắm trong tay.
Về mặt kinh tế, Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Nước này xuất khẩu một lượng lớn khoáng sản, chẳng hạn như than, sang Trung Quốc, trong khi nhập khẩu phần lớn năng lượng và lương thực từ quốc gia láng giềng rộng lớn.
Trung Quốc coi Triều Tiên là một vùng đệm quan trọng giữa nước này và Hàn Quốc. Nếu Bình Nhưỡng sụp đổ, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một đất nước Triều Tiên thống nhất dọc theo sông Áp Lục.
Bắc Kinh muốn ngăn chặn viễn cảnh như vậy và đó là lý do tại sao nước này vẫn xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên bất chấp việc Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân.
Trên sân khấu thế giới, Trung Quốc thường tỏ ra lạnh nhạt với Triều Tiên vì các động thái khiêu khích, song đây chỉ là một hành động ngoại giao “che mắt”. Trên thực tế, Bắc Kinh lợi dụng các hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng để phục vụ cho lợi ích riêng của họ. Điều này được minh chứng thông qua việc Bắc Kinh điều tàu thu thập thông tin tình báo đến gần vùng biển Nhật Bản.
Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia khác hy vọng Trung Quốc sẽ gây áp lực để kiềm chế Triều Tiên nhưng dường như đã đến lúc họ từ bỏ ý nghĩ như vậy.
Thiên An (Theo Nikkei Asian Review)