Triều Tiên không phải là ưu tiên của Biden
Dựa trên những nhận định và các cuộc trao đổi gần đây giữa các quan chức Hàn Quốc và Mỹ, có một sự thật rõ ràng là Washington không có chính sách mang tính đột biến nào về Triều Tiên. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden đã đi đến kết luận rằng việc đàm phán với Triều Tiên hầu như sẽ không đạt được kết quả gì.
|
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP. |
Các quan chức này cho rằng Triều Tiên sẽ chỉ đưa ra những trao đổi hạn chế như trong Thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa cựu Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Hà Nội. Đó là Triều Tiên sẽ đóng băng hoạt động của một số cơ sở hạt nhân nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt.
"Mỹ có lẽ không hứng thú với việc đàm phán với Triều Tiên", Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin nhận định.
"Kết quả duy nhất của những cuộc đàm phán này có lẽ là phiên bản hạn chế của những nhượng bộ như tại Hà Nội - một thỏa thuận không mấy hấp dẫn với Quốc hội, công chúng và truyền thông Mỹ. Vì thế, Tổng thống Biden, người hiểu rõ sẽ không có chiến thắng ngoạn mục nào trong việc đàm phán với Triều Tiên, dường như muốn tập trung hơn vào những vấn đề quan trọng khác và trên tất cả, chính là đối phó với Trung Quốc”, ông Lankov nói.
Những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden về hồ sơ Triều Tiên trên thực tế không nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên mà là để củng cố quan hệ liên minh với Hàn Quốc nhằm lôi kéo sự ủng hộ của nước này trong những vấn đề khác. Từ góc độ này, Hội nghị Thượng đỉnh cuối tháng 5 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington là một thành công lớn. Trong các cuộc trao đổi nhằm đưa ra tuyên bố chung giữa 2 nhà lãnh đạo, dẫn đầu phía Mỹ là giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương Kurt Campbell, Mỹ chủ yếu muốn đưa Hàn Quốc đứng vào liên minh chống Trung Quốc.
Sức ép nặng nề của Hàn Quốc
Các quan chức cấp cao Hàn Quốc thừa nhận họ cảm thấy sức ép nặng nề khi nhắc lại những ngôn từ trong tuyên bố chung với Nhật Bản về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và nhân quyền mặc dù Seoul cố gắng sử dụng ngôn từ mềm mỏng và không trực tiếp nêu tên Trung Quốc trong tài liệu này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hàn với hy vọng sẽ thúc đẩy vị thế trong nước của ông sau khi đối mặt với những thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương và lo ngại phe bảo thủ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.
Theo các quan chức cấp cao Mỹ, ưu tiên của Nhà Xanh khi tới Washington lần này không phải là thảo luận chính sách về Triều Tiên mà là kêu gọi hỗ trợ vaccine để đối phó với dịch Covid-19. Washington đã đồng ý hỗ trợ qua việc cung cấp nửa triệu liều vaccine cho quân đội Hàn Quốc.
Tổng thống Moon Jae In cũng muốn truyền đi thông điệp về tình hữu nghị thân thiết với chính quyền mới. Trái với cuộc gặp giữa ông Moon Jae In và cựu Tổng thống Trump vào tháng 9/2019 được miêu tả là "tồi tệ" khi ông Trump phàn nàn về đóng góp chi phí quốc phòng của Hàn Quốc, lần này, các quan chức Hàn Quốc cho rằng cuộc gặp với Tổng thống Biden là một cuộc đối thoại đáng kể về việc đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên, mặc dù thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng, nhưng Mỹ cũng lặp lại quan điểm về phi hạt nhân hóa và duy trì sức ép trừng phạt cho đến khi đạt được sự nhượng bộ thực tế.
Quyết định bổ nhiệm Đại sứ Sung Kim là đặc phái viên mới về vấn đề Triều Tiên được đưa ra chỉ vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hàn tại Nhà Trắng. Ông Sung Kim, người vẫn kiêm vị trí Đại sứ Mỹ tại Indonesia, là một chuyên gia cứng rắn và có kinh nghiệm về vấn đề Triều Tiên. Ông từng là Đại sứ tại Hàn Quốc, phụ trách chính sách Triều Tiên vào những năm cuối của chính quyền cựu Tổng thống Obama và điều hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với phía Triều Tiên để mở đường cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore năm 2018. Ông Sung Kim hầu như không có ảo tưởng về những triển vọng đàm phán với Bình Nhưỡng.
Chính quyền Tổng thống Moon Jae In đang gây sức ép với Washington nhằm thông qua việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, hy vọng rằng điều đó sẽ đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young là một nhân vật ủng hộ hướng đi này, kêu gọi "áp dụng linh động các biện pháp trừng phạt". Dù vậy, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, vốn có cùng lập trường với Mỹ, lại không có cùng quan điểm trên.
Triều Tiên và Trung Quốc trong cùng một cuộc chơi
Tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rất muốn để ngỏ cánh cửa đối thoại nhưng cũng khẳng định rằng, điều đó cần được đáp lại bằng một sự trao đổi đáng kể.
Chính quyền Bình Nhưỡng thừa nhận những vấn đề nội bộ nghiêm trọng như tình trạng thiếu lương thực và nguy cơ lây lan Covid-19. Lo ngại đại dịch lan rộng, Triều Tiên tiếp tục thắt chặt kiểm soát biên giới bất chấp những tác động mạnh mẽ về kinh tế. Một số nhà phân tích cho rằng điều này có lẽ sẽ khiến ông Kim Jong Un sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận cắt giảm đáng kể chương trình tên lửa và hạt nhân để đổi lấy sự hỗ trợ về kinh tế.
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn có thể phụ thuộc vào Trung Quốc khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
"Chừng nào Triều Tiên quyết định nới lỏng các biện pháp cách ly và nhận hỗ trợ từ Trung Quốc, Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp cho Bình Nhưỡng những gì họ cần", ông Lankov đánh giá.
Gần đây, Trung Quốc ưu tiên vào mối quan hệ đối tác với Triều Tiên để hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Với việc chính quyền Tổng thống Biden tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc, Bắc Kinh dường như sẽ càng có nhiều động cơ hơn để duy trì ảnh hưởng với Bình Nhưỡng.
Theo Kiều Anh/VOV.VN