Triều Tiên, Nhật Bản “lợi dụng” nhau ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - Triều Tiên-Nhật Bản bàn kế hoạch cho cuộc đàm phán sắp tới ở Thụy Điển là chiêu thức mà 2 bên dùng để thị uy đối với bên thứ ba.

Lợi dụng nhau để dằn mặt Trung Quốc?
Tờ Thời báo Nhật Bản dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida hôm 19/5 khẳng định, các nhà ngoại giao Nhật-Triều sẽ gặp nhau ở Stockholm từ 26-28/5 để thảo luận một loạt các vấn đề, bao gồm vụ bắt cóc các công dân Nhật ở Triều Tiên, chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trước đó, Bình Nhưỡng và Tokyo vừa có cuộc đàm phán cấp chính phủ lần đầu tiên sau 16 tháng vào tháng 3/2014.
 Nhật Bản và Triều Tiên hội đàm tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh ngày 30/3.
Cuộc họp 2 bên rõ ràng là một sự kiện đáng chú ý khi được tổ chức ở châu Âu, thay vì châu Á. Trước đó, Nhật - Triều thường tổ chức các cuộc họp song phương ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông không đưa ra lời giải thích nào về chuyện hai nước quyết định gặp nhau ở Stockholm tại thời điểm này, nhưng Triều Tiên hiện vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Thụy Điển.
Dư luận quốc tế cho rằng, việc 2 nước tổ chức cuộc đàm phán ở châu Âu thay vì Trung Quốc là một chiếc lược nhắm vào Bắc Kinh.
Về phía Triều Tiên, nước này đang cố gắng tối đa hóa sức mạnh đòn bẩy trong mối quan hệ của nước này đối với Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh gần đây đã thắt chặt đáng kể chính sách của họ đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt với chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuần trước, Nga và Trung Quốc đã cùng nhau ra tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Bằng cách tiếp cận với Nhật Bản vào thời điểm này, Bình Nhưỡng đang tìm cách chứng minh cho Bắc Kinh một điều rằng, có rất nhiều hậu quả tiềm tàng nếu như chính quyền Trung Quốc cố gắng tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. 
Về phần mình, Nhật Bản cũng có tính toán riêng của họ trong vụ việc này. Theo đó, họ có thể làm phức tạp các tính toán chiến lược của Trung Quốc theo bất kỳ cách nào có thể, và Triều Tiên là một trong những cách làm như vậy.
Không phải lần đầu tiên
Nhật Bản và Triều Tiên đã cùng lợi dụng nhau để đạt được những lợi ích của riêng họ trong một thời gian dài, với ví dụ điển hình là Hàn Quốc.
Nhật và Mỹ đã tìm cách tận dụng mối đe dọa mà Triều Tiên đặt ra cho Tokyo, Seoul và Washington để cải thiện quan hệ Hàn-Nhật. Trong tuần trước, phía Mỹ đã đề xuất tăng cường chia sẻ thông tin tình báo liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Từ trước đến nay, những kiến nghị như vậy thường bị các bên “phớt lờ” do sự mất lòng tin lẫn nhau sâu sắc giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. 
Trên hết, Bình Nhưỡng vẫn là một đòn bẩy hữu ích đối với Tokyo trong việc cải thiện quan hệ với Seoul mà không làm mất lòng nhau vì những chuyện liên quan tới lịch sử hai nước.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu ngày 19/5 về cuộc gặp gỡ với quan chức Triều Tiên.
Còn đối với Triều Tiên, Nhật Bản là đối tượng đầu tiên và cũng là hữu ích nhất đối với các mục đích chính trị trong nước của họ. Một phân tích đăng tải trên NK News giải thích việc này như sau: “Sự đề phòng trước nguy cơ xâm lược của Nhật là một trong những nguyên tắc sáng lập của nhà nước Triều Tiên và là một trong những chủ trương chính của cố Chủ tịch Kim Il-sung còn đọng lại trong tâm trí của toàn thể người dân Triều Tiên”. Một trong những điều mà chính quyền Triều Tiên hứa hẹn với công dân của mình đó là họ sẽ ngăn chặn nguy cơ một quốc gia ngoại quốc như Nhật Bản thống trị bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Nhật Bản còn là cái cớ để Triều Tiên làm xấu hình ảnh Hàn Quốc trong mắt công chúng.
Như vậy, cả Triều Tiên và Nhật Bản đều “lợi dụng” lẫn nhau để thị uy đối với bên thứ ba nhằm đạt lợi ích của cả hai nước, chứ không nhằm mục tiêu thiết lập mối quan hệ ngoại giao.
Thanh Nga (theo DP)