Trung Quốc bắt đầu trừng phạt Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) -  Truyền thông phương Tây hôm qua rầm rộ đưa tin, Trung Quốc tuyên bố đóng băng mọi tài khoản của một ngân hàng nhà nước Triều Tiên, làm dấy lên đồn đoán Bắc Kinh bắt đầu hành động chống Bình Nhưỡng.

 Bank of China Ltd thông báo đóng băng mọi tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên.


Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang thời gian qua, một trong những mối bận tâm lới nhất giới chuyên gia và học giả chính là liệu Bắc Kinh, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng có bỏ rơi nước này dưới những áp lực ngày càng tăng cả ở trong và ngoài nước.

Khi Trung Quốc lần đầu tiên ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với đồng minh ruột theo sau vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng 2 của nước này, không ít các nhà quan sát trong và ngoài nước tin rằng, Bắc Kinh đang thay đổi chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi vẫn chưa ai dám chắn về khả năng Trung Quốc bỏ rơi đồng minh ruột, các nhà quan sát  ủng hộ quan điểm trên lại có thêm bằng chứng để củng cố lập luận của mình sau khi truyền thông phương Tây hôm qua rầm rộ loan tin, Ngân hàng quốc doanh Bank of China Ltd của Trung Quốc vừa thông báo đóng băng mọi tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên.

Đồng thời, Bank of China cũng tuyên bố, đình chỉ mọi giao dịch tài chính với ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên. Theo tờ Wall Street Journal của Mỹ, nguyên nhân dẫn tới sự kiện xuất phát từ việc chính phủ Mỹ mới đây cáo buộc Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên cung cấp tài chính cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

“Ngân hàng quốc doanh Bank of China Ltd tuyên bố đình chỉ mọi giao dịch tài chính với Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên sau khi họ bị Mỹ cáo buộc cấp tiền cho chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của chính phủ Bình Nhưỡng. Đây có vẻ là lần đầu tiên một tổ chức do chính quyền Trung Quốc kiểm soát công khai thông báo cắt đứt quan hệ với đối tác Triều Tiên”, Wall Street Journal đưa tin.

Trước đó, áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên, Mỹ đã loại bỏ các ngân hàng và một số quan chức Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Đồng thời, các quan chức Mỹ cũng cảnh báo các tổ chức tài chính trên toàn thế giới, trong đó có Trung Quốc về những rủi ro khi hợp tác với các ngân hàng Triều Tiên. Bắc Kinh thời điểm đó không đưa ra bất cứ phản ứng liên quan nào. Do đó, nhiều người cho rằng, động thái mới nhất trên của Bắc Kinh sẽ khiến Washington “mát lòng, mát dạ”.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng nhấn mạnh, một động thái không đại diện cho cả xu hướng. Theo đó, việc Bank of China đóng băng và đình chỉ quan hệ với đối tác Triều Tiên không có nghĩa họ đang bắt đầu hành động cụ thể chống lại đồng minh ruột.

Chẳng hạn, Trung Quốc hiện dính cáo buộc không thực thi đúng và đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp quốc đối với Bình Nhưỡng mà thay vào đó, vẫn viện trợ một khối lượng đáng kể thức ăn và nhiên liệu cho đồng minh ruột. Có vẻ như Bắc Kinh không muốn cắt giảm viện trợ cho Bình Nhưỡng vì quan ngại điều đó sẽ gây ra sự sụp đổ của chế độ Triều Tiên.

Do đó, theo giới phân tích, động thái mới nhất lần này có thể chỉ là chiêu “xoa dịu và qua mặt” các “khán giả” trong nước và quốc tế để chứng tỏ quan điểm cứng rắn của họ đối với Bình Nhưỡng. Trung Quốc được cho là sẽ vẫn tiếp tục chính sách hiện nay đối với Triều Tiên.

Wall Street Journal dẫn một dẫn chứng: “Sau khi Bộ Tài chính Mỹ liệt Banco Delta Asia, có trụ sở ở Ma Cao vào danh sách trừng phạt với cáo buộc tổ chức này giúp Bình nhưỡng rửa tiền, Trung Quốc lặng lẽ đóng băng một số tài khoản Triều Tiên tại ngân hàng Bank of China chi nhánh ở Ma Cao. Lý do là Trung Quốc quan ngại, các ngân hàng Trung Quốc cũng có khả năng trở thành mục tiêu của Mỹ”.

Tờ báo cũng nhấn mạnh: “Rất khó để khẳng định và xác nhận động thái của Bank of China được chính phủ Bắc Kinh chỉ hay hay đơn giản đó chỉ là hành động đơn phương của ngân hàng này nhằm bảo vệ các lợi ích của họ”. Trên lý thuyết, Mỹ có quyền can thiệp trừng phạt vào các hoạt động và kế hoạch của Bank of China tại Mỹ nếu họ hợp tác với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên. Do vậy, Wall Street Journal kết luận, thay vì nghe theo sự chỉ đạo của Bắc Kinh, Bank of China có khả năng chỉ tìm cách bảo vệ lợi ích riêng của họ.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bạch Dương (Theo The Diplomat)