Việc Trung Quốc đóng tàu phá băng mới phù hợp với đường lối gia tăng ảnh hưởng của nước này phạm vi toàn cầu nhằm mở rộng địa lý các cuộc hành trình của Hải quân Trung Quốc và được giải thích bởi sự quan tâm của Trung Quốc đến nguồn dự trữ của các vùng cực, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin viết trong bài bình luận cho Sputnik.
Trung Quốc chế tạo tàu phá băng để đáp ứng nhu cầu của Hạm đội Bắc. Bây giờ nước này đưa vào vận hành các tàu phá băng dự án 272 có lượng choán nước hơn 4.800 tấn, phạm vi hoạt động lên đến 7.000 km và có cả bãi đỗ trực thăng. Chúng được thiết kế để thay thế các tàu phá băng cũ. Các tàu phá băng mới cũng sẽ được sử dụng để thực hiện một số nhiệm vụ phụ trợ (tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu thủy văn...).
Chỉ có điều, các tàu phá băng quân sự Trung Quốc không thể hoạt động ở các vùng cực. Chiếc tàu phá băng lớp Polar duy nhất của Trung Quốc là tàu Tuyết Long. Nói đúng ra, đây là con tàu vận chuyển lớp phá băng dự án 10621 "Ivan Papanin" của Liên Xô. Chiếc tàu này đã được đóng trong năm 1993 tại Ukraine, theo đơn đặt hàng của Trung Quốc.
Trong mấy thập kỷ qua, nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước không có lãnh thổ ở Bắc Cực và Nam Cực, thực hiện các cuộc nghiên cứu ở vùng cực. Những nghiên cứu này rất quan trọng đối với các ngành khoa học bảo vệ môi trường và có thể mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Trung Quốc hiện có bốn trạm nghiên cứu ở Nam Cực, hai trạm trong số đó hoạt động quanh năm. Nếu không có tàu phá băng lớp Polar thì khó có thể thực hiện những cuộc nghiên cứu như vậy. Do đó, các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc đều sở hữu những tàu lớp này.
Ấn Độ cũng đang xây dựng tàu phá băng lớp Polar. Nhật Bản có tàu phá băng Shirase được chế tạo trong năm 2008 và chiếc tàu này lớn hơn, hiện đại hơn so với tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc.
Có lẽ, uy tín cũng là yếu tố quan trọng giải thích tại sao Bắc Kinh đã thông qua quyết định xây dựng một tàu phá băng mới có khả năng hoạt động ở các vùng cực. Tàu phá băng Tuyết Long và khó có thể đáp ứng kỳ vọng của Trung Quốc, ngay cả khi nó được hiện đại hóa.
Minh Châu (Theo Sputnik)