Trung Quốc gây sự với hầu hết các nước láng giềng

Google News

(Kiến Thức) - Tranh chấp với Nhật Bản, dọa nạt các nước Đông Nam Á và đưa quân vào lãnh thổ Ấn Độ, Trung Quốc đang gây sự với tất cả các nước láng giềng.

Ngày 23/4, tám ngày sau khi khoảng 30 lính Trung Quốc vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) cắm trại trên lãnh thổ Ấn Độ ở Ladakh, phái đoàn quân sự của cả hai bên gặp nhau một lần nữa để cố gắng giải quyết vấn đề. Thế nhưng, cuộc họp kéo dài 4 tiếng đồng hồ này đã không khai thông bế tắc giữa hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc và Ấn Độ đã sa vào một cuộc chiến ngắn ngày nhưng khốc liệt năm 1962. Nhưng ngay cả nửa thế kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt, tranh chấp biên giới vẫn chưa được giải quyết và dẫn đến các vụ đối đầu như hiện nay.

Cả hai bên đã đề ra một số cơ chế để đảm bảo sự cố nhỏ trên biên giới không vượt khỏi tầm kiểm soát, mặc dù vẫn xảy ra các vụ xâm nhập lãnh thổ của nhau. Tuy nhiên, việc quân đội Trung Quốc dựng lều trại ở sâu trong lãnh thổ Ấn Độ tới 10 cây số suốt cả tuần đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ lâm vào tình thế khó xử.

Trong khi cả Bắc Kinh lẫn New Delhi đều không muốn tình hình leo thang vượt ra ngoài tầm kiểm soát, các yếu tố trong nước đã gây khó khăn cho chính phủ hai nước đạt tới một giải pháp mà không bên nào bị coi là đã nhượng bộ quá nhiều.

Trong khi đòi New Delhi ngừng phát triển cơ sở hạ tầng quân sự trên biên giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhấn mạnh muốn  tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Cách tiếp cận “hai hướng” của Trung Quốc có thể được một số phe phái trong nước coi đó là cách can dự với Ấn Độ về mặt chiến lược, trong khi vẫn duy trì được sự cân bằng chiến thuật.

Kể từ khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã chủ yếu dựa vào “công thức năm điểm” của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào để thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc tiến về phía trước. Về vấn đề biên giới, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đơn giản nhắc lại khẳng định trước đó Thủ tướng Ôn Gia Bảo rằng việc giải quyết các vấn đề biên giới là không dễ dàng và do đó hai bên cần tập trung vào các lĩnh vực khác như thương mại song phương đang phát triển tới mức 100 tỷ USD. Nhận thấy sức mạnh kinh tế-quân sự vẫn chưa bằng Trung Quốc, Ấn Độ thường chọn cách giảm nhẹ hoặc bỏ qua hành động khiêu khích của Trung Quốc và thường tự an ủi bằng cách nói châu Á đủ rộng để cả “hai gã khổng lồ” (Trung Quốc, Ấn Độ) đều có đất phát triển.

Vụ đối đầu gần đây nhất đang thách thức  sự kiên nhẫn và quyết tâm của cả hai bên. Đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin yêu cầu Trung Quốc rút quân về bên kia biên giới và duy trì nguyên trạng. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying)  vẫn lặp lại những luận điểm cũ, khi nói: “Hai bên cần làm việc với nhau để giải quyết vấn đề lịch sử để lại, thông qua đàm phán hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ song phương phát triển bền vững”.

Hai tuyên bố hòa giải này làm dấy lên hy vọng rằng về một giải pháp biên giới sẽ đạt được trong thời gian tới. Nhưng hy vọng này xem ra bị tiêu tan, khi quân đội Trung Quốc đưa ra hai điều kiện tiên quyết tại cuộc họp ngày 23/4 với các giới chức quân sự Ấn Độ. Trong cuộc họp này, Bắc Kinh đòi New Delhi ngừng xây dựng các căn cứ tiền tiêu và các kho hậu cần cũng như các cuộc tuần tra gần biên giới… trước khi các binh sĩ Trung Quốc rút về vị trí cũ. Rõ ràng là Ấn Độ không thể nào chấp nhận những điều kiện có tính chất bắt bí này.

Cuối cùng, có thể hai bên sẽ gỡ thể diện bằng cách thỏa thuận một số điểm, nhưng các nhà quan sát Trung Quốc ở Ấn Độ cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng vụ việc mới này để thúc đẩy một cơ chế song phương về quản lý biên giới.

Jayadeva Ranade, một chuyên gia Trung Quốc, cho biết: “Trường hợp cá biệt này không phản ánh chính sách mới của Bắc Kinh, nhưng là một phần của chính sách biên giới mà  Trung Quốc sẽ áp dụng. Vụ việc này làm sống lại một đề nghị được đưa ra trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt rằng để tránh những cuộc đối đầu như vậy, các lực lượng biên phòng của hai bên cần tham khảo lẫn nhau về lịch trình tuần tra của mỗi bên”.

Bất kể hai bên đạt được công thức thỏa thuận nào, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ có nhiều điều để nói, khi tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiến hành chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2013.
 Ảnh minh họa.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:





Lê Chân (The Diplomat)