Khi Mỹ bắt đầu theo đuổi chiến lược xoay trục dần sang châu Á, Trung Quốc cũng đưa ra chiến lược đối lập nhằm tránh một cuộc đối đầu trực diện với những người Mỹ. Đó chính là “chiến lược hướng Tây” do học giả có tiếng người Trung Quốc là Wang Jisi đề xướng.
Trong khi chiến lược xoay trục của Mỹ nhận được sự quan tâm nhiều, ít ai biết rằng, công cuộc tìm kiếm nguồn năng lượng và lương thực có thể là động lực quan trọng đằng sau chiến lược hướng Tây của Bắc Kinh.
Trong nhiều thập kỷ, tự cung tự cấp được coi là kim chỉ nam cho chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhu cầu thực phẩm tăng nhanh chóng và sự thiếu hụt nguồn nước, đất đai và nguồn nhân lực, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu một lượng lớn thực phẩm từ các nước khác. Khi mà Bắc Kinh phụ thuộc nhiều hơn vào lượng hàng nhập khẩu nước ngoài (chủ yếu là từ Mỹ), do vậy nước này cần phải tìm ra một cánh cửa khác an toàn hơn để phòng trường hợp quan hệ Trung-Mỹ xấu đi.
Để bảo vệ tốt hơn nữa nền an ninh lương thực quốc gia, Trung Quốc chú trọng đa dạng hóa nhập khẩu lương thực từ Mỹ và xây dựng một hệ thống cung cấp thực phẩm toàn cầu riêng của mình bằng cách đầu tư vào các nguồn tài nguyên nông nghiệp ở nước ngoài. Do vậy, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, Trung Quốc đang “hành quân” về phía Tây, đặc biệt ở các nước như Nga, Trung Á và châu Âu, nơi lương thực và các nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối dồi dào.
Vậy tại sao Trung Quốc lại hướng tới các khu vực này để tiến hành Chiến lược hướng Tây?
Nước Nga, đặc biệt là khu vực Viễn Đông
Trái ngược với Trung Quốc, nước Nga (đặc biệt là khu Viễn Đông), có nhiều dải đất rộng màu mỡ mà chưa được khai thác. Khi đối mặt với các khó khăn để sản xuất đủ lương thực để nuôi người dân, chính phủ Trung Quốc đã mở các cuộc hội đàm để đầu tư vào các vùng đất nông nghiệp của Nga.
|
Một công nhân làm việc cho công ty Trung Quốc đầu tư vào vùng Viễn Đông.
|
Năm 2012, Tập đoàn đầu tư Trung Quốc đã góp 1 tỷ USD vào một quỹ chung của hai nước nhằm đầu tư vào nông nghiệp và khai thác gỗ ở Nga và các quốc gia Liên Xô cũ. Các doanh nghiệp Trung Quốc, dẫn đầu là các doanh nghiệp nhà nước đã thuê ít nhất 600.000 ha đất trồng trọt và 800.000 ha đất rừng.
Khu vực Trung Á
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Trung Á có nguồn tài nguyên nông nghiệp rộng lớn chưa qua khai thác và là khu vực đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện an ninh lương thực thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay khu vực này đang gặp nhiều trở ngại quan trọng trong kỹ thuật canh tác, đầu vào, máy móc nông nghiệp cùng với cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và các kho bảo quản. Với những thiếu thốn đó, Trung Á trở thành mục tiêu lý tưởng đối với Bắc Kinh trong việc thực hiện chiến lược trên của họ. Chưa kể, mối bang giao thân thiết và ổn định của Trung Quốc và khu vực này khá tốt.
|
Nông dân Kazakhstan làm việc trên cánh đồng.
|
Trong đó, hai quốc gia Trung Á quan trọng mà quốc gia này hướng tới đó là Tajikistan và Kazakhstan. Ở Tajikistan, Trung Quốc đã thuê hay kiểm soát hơn 100.000 ha đất. Còn ở Kazakhstan, những doanh nghiệp Trung Quốc thể hiện sự hiện diện ngày càng nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp của quốc gia này.
Châu Âu
Có thể nói rằng, các quốc gia châu Âu là một trong những nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Với mong muốn không quá phụ thuộc vào lượng nhập khẩu lương thực từ Mỹ, Trung Quốc hướng tới các quốc gia ở châu Âu như Pháp, Hà Lan và Đức để tìm ra hướng mới giải quyết cho vấn đề an ninh lương thực của họ. Trong năm 2012, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã ký kết Kế hoạch Hợp tác Phát triển Nông nghiệp, chủ yếu là giải quyết vấn đề an ninh lương thực và môi trường.
|
Nông dân ở vùng Audrieu, Pháp đang thu hoạch.
|
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU tháng 11/2013, hai bên còn ký kết thêm một thỏa thuận quan trọng nữa với hi vọng tăng cường hợp tác an ninh và an toàn thực phẩm.
Thanh Nga (theo Eurasia Review)