Trung Quốc lập chuyên án điều tra Chu Vĩnh Khang?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Tập Cận Bình vừa "lập một ban chuyên trách" có nhiệm vụ điều tra cựu ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, tờ South China Morning Post đưa tin.


 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trực tiếp xử lý vụ Chu Vĩnh Khang.
Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp giám sát điều tra 
Tờ South China Morning Post hôm 21/10 đưa tin đây là "bước đi bất thường" của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình nhằm điều tra ông Chu về vụ bê bối tham nhũng. Điều này phản ánh sự nhạy cảm trong vụ Chu Vĩnh Khang, đồng thời cho thấy rõ mối quan tâm của ông Tập Cận Bình đối với vụ án này.
Ban chuyên trách điều tra do Thứ trưởng Công an kiêm Cảnh sát trưởng Bắc Kinh, ông Phó Chính Hoa phụ trách chứ không thuộc về hệ thống điều tra nội bộ Đảng Cộng sản tức "song quy". Thông thường, các quan chức mắc tội tham nhũng thường do Ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) xử lý, họ bị biệt giam trong hệ thống giam giữ ngoài luật pháp, mang tính nội bộ, được gọi là "song quy – shuanggui", để thẩm vấn đương sự, trước khi giao cho bên Công an và tư pháp.
Thứ trưởng Công an kiêm Cảnh sát trưởng Bắc Kinh, Phó Chính Hoa.
Tờ báo Hong Kong nhấn mạnh, quyết định của Chủ tịch Tập để công an điều tra vụ Chu Vĩnh Khang có sự đồng ý của ông Vương Kỳ Sơn, người phụ trách Ủy ban Kỷ luật Đảng - từng phụ trách mảng kinh tế ở vị trí Phó Thủ tướng Trung Quốc - sẽ chỉ giám sát chung.
Theo đó, ông Phó Chính Hoa sẽ báo cáo trực tiếp lên ông Tập Cận Bình. Điều này cho thấy vấn đề rất tế nhị cho riêng cả Chủ tịch Tập và các quan chức Đảng khác.
 Ông Chu Vĩnh Khang.
Tại sao không dùng Đảng điều tra?
Trong nền chính trị Trung Quốc, Ủy ban Kỷ luật của Đảng (CCDI) là cơ quan nằm ngoài tòa án sẽ điều tra các quan chức cao cấp trong các vụ việc không thông báo cho dư luận biết.
Cơ quan này cũng chỉ chuyển nội dung điều tra cho công an và công tố viên sau khi Đảng đã quyết định có truy tố quan chức cao cấp đó hay không. Bộ máy ngoài pháp luật này còn có quyền giam giữ các quan chức khi bị điều tra, như trường hợp ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh.
Ông Bạc cũng được cho là người thân tín của ông Chu, người vốn đã nghỉ hưu, từng phụ trách bộ máy an ninh Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin, có thể là ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), lãnh đạo Ban Thanh tra và Kỷ luật Trung ương (CCDI) muốn công an, cơ quan có kinh nghiệm hơn trong các vụ điều tra tội phạm, đứng ra xử lý vụ Chu Vĩnh Khang thay vì giao cho CCDI mà thẩm quyền và phương pháp của Ban này hiện có vấn đề.
Một nguồn tin cho biết : "Nhiều quan chức trong CCDI vốn là lãnh đạo các cục vụ được điều chuyển đến và họ có rất ít kinh nghiệm điều tra và giải quyết các vụ phạm tội. Các ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn thống nhất để công an tiến hành điều tra vì họ cho rằng, công an chuyên nghiệp hơn".

Một nguồn tin khác, dẫn lời các quan chức của CCDI và công an cho biết: "Ông Tập Cận Bình trao nhiệm vụ cho ông Phó Chánh Hoa đồng phối hợp các cuộc điều tra liên quan đến ông Chu Vĩnh Khang, trong lúc ông Vương Kỳ Sơn giám sát chung các trường hợp và hoạt động chống tham nhũng. Ông Phó Chánh Hoa lãnh đạo một tổ cảnh sát nhỏ, chủ yếu lấy từ Văn phòng Cảnh sát Bắc Kinh, để điều tra về những trường hợp như đối với ông Vũ Bình (Wu Bing) hay ông Quách Vĩnh Tường (Guo Yongxiang)".

Ngoài ra, theo South China Morning Post, các lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về cách dùng hệ thống điều tra nội bộ của Đảng vốn dễ gây lạm dụng quyền lực. Theo một nguồn tin, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không hài lòng về cung cách làm việc của CCDI và đã cảnh báo về các hành động lạm dụng có thể xảy ra trong quá trình điều tra. 
Chẳng hạn, có tin cán bộ điều tra nội bộ Đảng trong quá trình điều tra một vụ án đã dìm chết một kỹ sư nhà nước. Ông Ư Kỳ Nhất, kỹ sư trưởng một công ty nhà nước ở Ôn Châu, đã chết vì bị  tra tấn trong bể nước đá hồi tháng 4/2013.
Được biết, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước đã cho thuyên chuyển một loạt quan chức phụ trách kỷ luật nội bộ.
Ông Tập Cận Bình sau khi lên cầm quyền năm ngoái đã tung ra chiến dịch chống tham nhũng 'diệt cả ruồi và hổ' nhằm vào cả một số quan chức cao cấp.
B.T (Theo BBC, RFI)