Trung Quốc: Tai họa nào tiếp theo sau lở đất Thâm Quyến?

Google News

(Kiến Thức) - Sau vụ lở đất Thâm Quyến, cư dân ở các thành phố lớn của Trung Quốc phấp phỏng lo âu  không biết tai họa nào sẽ xảy ra tiếp theo.

Ba thảm kịch tồi tệ nhất ở Trung Quốc đại lục trong năm qua đều diễn ra ở các thành phố lớn. Đó là nơi mà các nhà hoạch định đang cố gắng thu xếp ổn thỏa chỗ định cư cho số lượng dân số trung lưu ngày một phình to và cả làn sóng lao động nhập cư khổng lồ đổ dồn về thành phố lớn.
Những thảm kịch như vụ lở đất Thâm Quyến khiến cư dân đô thị Trung Quốc đại lục ngày càng phấp phỏng âu lo. Người ta tự hỏi tại sao các thành thị hàng đầu của Trung Quốc lại trở nên nguy hiểm đến thế.
Trung Quoc: Tai hoa nao tiep theo sau lo dat Tham Quyen?
Một người phụ nữ ráo riết tìm hai mẹ con chị gái ở hiện trường vụ lở đất ở Thâm Quyến. 
Trung Quốc bắt đầu năm 2015 với một sự cố đau lòng. Trong đêm giao thừa ngày 31/12/2014, ít nhất 36 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp ở Thượng Hải. Nhiều người chỉ trích rằng quá đông người và thiếu các biện pháp an toàn là nguyên nhân gây ra thảm kịch dẫm đạp chết người nói trên.
Tiếp sau đó, một sự cố xảy ra vào ngày 12/8 khi các nguyên vật liệu dễ nổ để trong một nhà kho hóa chất bốc cháy, gây ra hai vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân, thậm chí làm cửa sổ cách hiện trường cây số cũng bị vỡ nát.
Nhà điều tra sau đó cho biết, chủ kho hóa chất trên là công ty hậu cần quốc tế Ruihai đã không thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn trong việc bảo quản các chất cháy nổ.
Chưa hết, ngày 20/12, một bãi rác thải ở khu công nghiệp Liuxi, Thâm Quyến, đã đổ ụp, làm 76 người cho tới nay vẫn mất tích.
Các nhân viên cứu hộ tiếp tục lùng tìm dưới đống rác thải với hi vọng thấy những người sống sót có thể mắc kẹt trong đống đổ nát của 33 tòa nhà bị chôn vùi. Khu công nghiệp này nằm ở vùng ven Thâm Quyến, thành phố được coi là điển hình trong quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quoc: Tai hoa nao tiep theo sau lo dat Tham Quyen?-Hinh-2
Khói bốc lên nghi ngút ở nơi xảy ra vụ nổ hàng loạt tại bến cảng ở Thiên Tân. 
“Hai năm trước, một cư dân Bắc Kinh đã chết đuối trong ô tô khi một cơn bão tràn về thành phố. Năm nay, nhiều người đã mất mạng trong vụ giẫm đạp ở Thượng Hải. Còn ở Thiên Tân, một người đã chết khi đang nằm ngủ trong ngôi nhà của mình. Và khi năm 2015 sắp qua đi, nhiều người đã bị vùi lấp dưới đống gạch đá và bùn đất ở Thâm Quyến. Khi nào thì các thành phố của chúng ta mới trở nên an toàn?”, một người viết trên Weibo.
Trong khi đó, một cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ: “Các thành phố này đều là những thành phố hiện đại nhất và là ví dụ thành công nhất trong chính sách mở cửa và cải cách của Trung Quốc. Nhưng các tai nạn hiếm có và chưa từng xảy ra trong năm nay đang làm dấy lên câu hỏi: Phát triển sẽ dẫn chúng ta đến đâu”.
Giảng viên bộ môn môi trường, y tế và an toàn tại Đại học Nam Kinh tên Qi Zhiqiang gọi vụ lở đất ở Thâm Quyến là một sự xấu hổ của thành phố. Đó là “thảm họa do con người gây ra” mà các nguyên nhân gây ra nó đã được “giấu kín trong bóng tối suốt thời gian dài”, ông nói.
Ba vụ tai nạn trên đều có những nguyên nhân tựu chung như là yếu kém trong quản lý giám sát, thực thi các luật hiện hành lỏng lẻo.
Trong vụ giẫm đạp đêm giao thừa 31/12/2014 ở Bến Thượng Hải, hầu hết các nạn nhân đều là thanh niên trong độ tuổi 20 tới đó để xem màn trình diễn chào đón năm mới 2015. Các cảnh sát địa phương chỉ chừng 600 người được cử tới đó để giữ trật tự khi đám đông lên tới 310.000 người cùng lúc đổ dồn về đây.
Trung Quoc: Tai hoa nao tiep theo sau lo dat Tham Quyen?-Hinh-3
Đám đông dồn về Bến Thượng Hải vào đêm giao thừa ngày 31/12/2014. 
Trong khi đó, các báo đài địa phương đưa tin rằng, trong vụ nổ ở Thiên Tân, công ty hậu cần Ruihai không hề được cấp giấy phép xử lý các hóa chất nguy hiểm. Ban lãnh đạo công ty này sau đó thừa nhận rằng, họ đã móc nối các mối quan hệ để nhận giấy phép đủ độ an toàn về phòng chống cháy nổ.
Tương tự, công ty đã thắng gói thầu xây dựng và quản lý bãi rác thải ở Thâm Quyến cũng không có đủ năng lực để đảm trách việc này.
Suốt nhiều năm qua, công ty này liên tục nhận hàng chục hợp đồng của chính phủ liên quan tới việc xử lý rác thải mặc dù hạng mục này không hề nằm trong giấy phép đăng ký kinh doanh của họ.
Giữa hoàn cảnh nhiều tai họa ập tới như vậy, chính quyền trung ương Trung Quốc nhanh chóng thông báo, các bên liên quan có lỗi trong ba vụ trên sẽ bị trừng phạt. Đồng thời, nhiều tin tức về ba vụ này được cho là đã bị bưng bít đi. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ sẽ có các tai nạn tương tự như vậy trong tương lai do sự quản lý lỏng lẻo của nhà chức trách.
Thanh Nga (theo SCMP)