Ưu tiên ngoại giao của Trung Quốc trong quá khứ
Mới đây, Trung Quốc đã đưa ra quyết định nâng cao mối quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng thay vì chỉ ưu tiên Mỹ và các cường quốc khác. Điều này báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của nước này và cũng cho thấy vai trò của các mối quan hệ với các quốc gia châu Á và các nước đang phát triển được Bắc Kinh đánh giá cao hơn so với các mối quan hệ với các cường quốc trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Động thái kể trên cũng thể hiện rằng thời gian qua, Trung Quốc vẫn có thể phát triển ngay cả khi không có sự hỗ trợ của phương Tây về mặt quyền lợi, Trung Quốc cũng tự tin mình có thể tự giữ vững được các quyền lợi cốt lõi của mình cũng như đẩy mạnh yêu cầu thay đổi trật tự quốc tế.
Trong Hội nghị Công tác Trung ương Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã thay đổi khuôn khổ chung của các mối quan hệ ngoại giao.
Khuôn khổ này nhìn chung đơn giản nhưng có sức ảnh hưởng không nhỏ. Nó đưa ra đường lối xây dựng chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Về bản chất, khung ngoại giao này cho biết rất ít về cách thức tiến hành các chính sách ngoại giao mà chỉ đưa ra mấu chốt quan trọng nhất về danh sách các ưu tiên ngoại giao, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Mối quan hệ với các nước đứng trên đầu danh sách này được Trung Quốc đánh giá là tiềm năng nhất. Khuôn khổ chung này đặt ra hầu như tất cả các phân tích, tư liệu, cũng như các chỉ thị, chính sách liên quan đến ngoại giao trên tiêu chí đơn giản, dễ hiểu nhằm giúp các cán bộ, quan chức thực hiện các công việc ưu tiên ngoại giao và tiếp nhận các chỉ thị từ lãnh đạo trung ương.
Thứ tự trong khung ngoại giao này được giữ ổn định, chỉ thay đổi một vài lần kể từ khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập. Ban đầu, Cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đặt ra khung ngoại giao này với thứ tự ưu tiên “thế giới thứ nhất”, “thế giới thứ hai” và “thế giới thứ ba”, tương ứng với các nước chủ nghĩa tư bản, cộng sản và các nước nước đang phát triển.
Sau khi cải cách và mở cửa, ông Đặng Tiểu Bình đã định lại khuôn khổ này thành “các cường quốc”, “các nước láng giềng” và “các nước đang phát triển”. Các hạng mục được bổ sung là thay đổi duy nhất kể từ năm 1979. Tại Đại hội Đảng lần thứ 16 vào năm 2002, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã bổ sung thêm “các tổ chức đa phương” vào danh sách.
Theo báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 18 trong vài năm sau đó, ông Hồ Cẩm Đào đã thêm “ngoại giao nhân dân” vào danh sách.
|
Cựu chủ tịch Trung Quốc ông Hồ Cẩm Đào và tổng thống Mỹ ông Obama trong chuyến thăm Mỹ |
Như vậy, khung ngoại giao này được định ra bao gồm: các cường quốc (nổi bật nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản và Nga), các nước ngoại vi (bao gồm các nước dọc theo biên giới Trung Quốc), các nước đang phát triển (các nước có thu nhập thấp trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc), các tổ chức đa phương (UN, APEC, ASEAN,...) và ngoại giao nhân dân.
Thiết lập giản đơn này có thể chưa hoàn thiện ở một số điểm như một quốc gia có thể nằm trong nhiều hơn 1 hạng mục, tuy vậy, khung ngoại giao này vẫn đang được sử dụng rộng rãi.
Có thể thấy ví dụ về cách thức các quan chức Trung Quốc thực thi chính sách đối ngoại theo khung ngoại giao trong báo cáo về Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 18. Mối giao hảo với các nước phát triển dựa trên tiêu chí “thiết lập lâu dài, ổn định và lành mạnh mối quan hệ với các cường quốc”.
Đối với các nước ngoại vi, bản báo cáo đề cập Trung Quốc nên “củng cố quan hệ láng giềng thân thiện”. Chính sách đối với các nước đang phát triển của Trung Quốc là “đại diện và lên tiếng” cho họ trên chính trường quốc tế. Báo cáo cũng nêu ra rằng Trung Quốc cần phương thức ngoại giao với các tổ chức đa phương để “thúc đẩy phát triển trật tự quốc tế và hệ thống toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý”. Đối với ngoại giao nhân dân, Trung Quốc theo hướng “đẩy mạnh giao lưu và bảo vệ quyền lợi của người Trung Quốc ở hải ngoại”.
(Còn tiếp)
Hoàng Anh