Trung Quốc thay đổi chiến lược ngoại giao như thế nào? (2)

Google News

(Kiến Thức) - Các ưu tiên ngoại giao của Trung Quốc đang có dấu hiệu thay đổi, làm tăng nguy cơ gây căng thẳng trong mối quan hệ với các cường quốc.

Sự thay đổi trong khuôn khổ ngoại giao của Trung Quốc
Trong năm 2013, những chuyển biến mới ở Trung Quốc đã cho thấy những thay đổi lớn đang diễn ra. 
Tháng 9/2013, ngoại trưởng Vương Nghị đã cho biết các nước ngoại vi giờ đây là hướng ưu tiên cho quan hệ ngoại giao của Trung Quốc. Một tháng sau, Bắc Kinh đã tổ chức một buổi hội đàm chưa từng có để điều chỉnh chính sách đối ngoại với các nước ngoại vi. 
Tân Hoa xã nhấn mạnh rằng những thay đổi thích hợp sẽ được triển khai vào đầu năm 2014. Trong hội nghị TW gần đây nhằm đưa ra kết luận về chính sách đối ngoại, ông Tập Cận Bình đã lập ra khung ngoại giao với các nước ngoại vi đứng đầu trong danh sách ưu tiên.
Bắc Kinh thừa nhận rằng khu vực các nước láng giềng đang ngày càng trở nên quan trọng đối với tương lai của Trung Quốc. 
Hồi đầu tháng 4, thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng quan hệ giao thương của nước này với Đông Á và Đông Nam Á mang lại 1,4 nghìn tỷ USD, nhiều hơn so với Mỹ và Liên minh châu Âu cộng lại. Ông này cũng cho biết, một nửa trong top 10 đối tác giao thương tiềm năng của Trung Quốc là các nước châu Á và 70% vốn đầu tư nước ngoài của nước này cũng nằm ở châu Á. Xu hướng hội nhập trong khu vực có khả năng sẽ tiếp tục. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực tiềm năng nhất để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong tương lai nếu như thực hiện được cải cách cơ cấu và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Các lãnh đạo Trung Quốc tìm cách đạt được những điều kiện này qua Con đường tơ lụa, Con đường tơ lụa hàng hải, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á và nhiều các sáng kiến khác.
 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị: Các nước ngoại vi giờ đây là hướng ưu tiên cho quan hệ ngoại giao của Trung Quốc.
Hơn nữa, Trung Quốc đã nhận ra rằng cần phải đảm bảo vị trí chiến lược các bên nếu muốn nâng cao vị thế của mình trên chiến trường quyền lực toàn cầu. 
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được sâu sắc điều đó nhờ vào những bài học lịch sử, trong đó những kẻ theo đuổi bá quyền ở châu Á và châu Âu đều trở thành nạn nhân của những cuộc chiến tranh được châm ngòi bởi tranh chấp láng giềng. Các tranh chấp và điểm nóng ở Biển Đông và Hoa Đông hiện nay lại càng “thực tế hóa” các nguy cơ này đối với các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh. 
Theo thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lưu Chấn Dân, vấn đề mất cân bằng giữa việc phát triển an ninh chính trị và kinh tế ở châu Á đang trở nên ngày càng nổi cộm. Đề nghị tạo ra một “cộng đồng chung” ở châu Á của Trung Quốc là để nhằm giải quyết sự mất cân bằng này.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh ưu tiên ngoại giao với các nước láng giềng cũng đồng nghĩa với việc các mối quan hệ đối ngoại chiến lược với Mỹ và các cường quốc khác bị “tụt hạng”. 
Mặc dù việc tiếp cận thị trường và công nghệ phương Tây từ lâu đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhưng trong một vài thập kỷ trở lại đây, tầm quan trọng của nền công nghiệp phương Tây đối với Bắc Kinh đã bị xói mòn đáng kể. 
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhiều nước phát triển quay cuồng khi nền kinh tế và chính trị bị trì trệ nghiêm trọng. 
Trung Quốc đã nâng cao đáng kể kiến thức và khả năng của mình về mặt công nghệ mặc dù khả năng đổi mới vẫn còn yếu. Những thị trường mới nổi với khả năng vượt qua cả các nước phát triển là công cụ để đáp ứng cho sự tăng trưởng và các nhu cầu còn thiếu. Và một lực lượng quân giải phóng của Trung Quốc vẫn đang ngày ngày được hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách với các nền quân sự hiện đại khác, đặc biệt là ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc.
Hội nghị Công tác Trung ương Trung Quốc còn đưa ra một thay đổi khác có thể đưa vào khuôn khổ chung. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tới một “phân nhánh” khác của các nước đang phát triển, đó là nhóm “các nước đang phát triển mạnh”. 
Đối với nhóm các nước này, ông kêu gọi Trung Quốc cần “mở rộng hợp tác” và cho rằng nó “liên quan mật thiết” tới sự phát triển của nước này. 
Các học giả Trung Quốc cho rằng đây là các đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ cải cách trật tự thế giới. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc mang thông tin này tới nhiều quốc gia, trong đó có cả Nga, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Indonesia và Mexico.
Các báo cáo chính thức của Trung Quốc cũng nói về chính mình như vậy, điều này dường như đi ngược lại với cách thức định hình bấy lâu nay – tự nhận mình là một “nước đang phát triển”.
Tầm quan trọng của các bên đồng minh và đối tác của Mỹ.
Việc Trung Quốc đẩy mối quan hệ với các nước phát triển xuống trong danh sách ưu tiên có thể gây bất ngờ, tạo ra những sự thay đổi mạnh mẽ trong hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề như biến đổi khí hậu. 
Hai bên thậm chí đã thống nhất đẩy mạnh hợp tác quân sự. Sự phát triển này cho thấy mối quan hệ với Mỹ vẫn là quan trọng nhất đối với Trung Quốc. Các nổi cộm về kinh tế, quân sự, chính trị và sức mạnh văn hóa của Mỹ khiến cho nó trở thành một thành tố quan trọng trong sự phát triển của Trung Quốc, và điều này vẫn đúng cho đến tận ngày hôm nay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc đã kết luận rằng các nước ngoại vi và các nước đang phát triển sẽ làm lu mờ tầm quan trọng của mối quan hệ ngoại giao với các cường quốc.
Sự thay đổi trong khung đối ngoại cho thấy sức tác động của đánh giá này đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc
Các nước châu Âu gần đây đã phát hiện ra Bắc Kinh không mấy quan tâm đến quan điểm của họ về các chính sách của Trung Quốc. 
Trung Quốc không chỉ bác bỏ những lời chỉ trích về vấn đề nhân quyền mà còn thực hiện các biện pháp trả đũa với các quốc gia châu Âu như đã làm với Anh trong chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma và với Na Uy khi bất đồng chính kiến trong vụ Lưu Hiểu Ba. 
Tương tự như vậy, Trung Quốc đang phản ứng ngày càng mạnh trước các chỉ trích của Mỹ. Bắc Kinh đã bác bỏ hoàn toàn những lời chỉ trích của Washington về thái độ hung hăng và các yêu sách chủ quyền không hợp lý trên Biển Đông. 
Việc Trung Quốc đang làm mọi việc để khẳng định vị thế đi đầu của mình ở châu Á cũng không có dấu hiệu chậm lại. 
Mỹ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hoạt động gián điệp qua mạng dường như cũng không mang lại hiệu quả.
Khi sức mạnh của Trung Quốc phát triển và việc khẳng định vai trò nhà lãnh đạo trên khu vực châu A – Thái Bình Dương thành công, Trung Quốc sẽ còn phản ứng mạnh hơn nữa với phương Tây vì đã can thiệp vào vấn đề chính sách nhạy cảm này. 
Bắc Kinh cũng sẽ tiến hành đẩy mạnh việc củng cố vai trò lãnh đạo ở châu Á và đẩy mạnh nhu cầu về cải cách trật tự quốc tế để phù hợp hơn với sự phân bố quyền lực mới. 
Bắc Kinh không nên quá tự tin vào những mối quan hệ nhằm chăm chăm bảo vệ quyền lợi của mình, điều đó có thể gây “phản tác dụng”. 
Trong tình hình cạnh tranh khốc liệt và niềm tin bị bào mòn, sức chịu đựng của Mỹ có thể vượt khỏi giới hạn và Washington có thể sẽ thực hiện những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình của Trung Quốc.
Để ngăn chặn khả năng này, Mỹ cần tăng cường phối hợp chính sách với các đồng minh và đối tác ở châu Á, đặc biệt là các nước láng giềng của Trung Quốc đang phát triển mạnh. 
Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ ổn định và ngăn chặn các hành vi sai trái của Trung Quốc, nhưng việc thúc đẩy quan hệ với các cường quốc trong khu vực cũng quan trọng không kém trong việc định ra hướng đi tích cực cho Trung Quốc thay vì thách thức trật tự cơ bản của quốc tế.
Sức mạnh ngày càng tăng của các nước đang phát triển và quỹ đạo tăng trưởng ổn định của các nước phát triển nắm phần quyết định cho tương lai của nền chính trị toàn cầu. Các lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ điều này. Washington và các bên đồng minh phải dự đoán được nhịp độ tăng trưởng này để có thể duy trì một trật tự thế giới ổn định và hòa bình.
Hoàng Anh