Trung Quốc tổ chức Bác Ngao đối trọng Davos

Google News

(Kiến Thức) -  Khi thực lực kinh tế tăng lên, năm 2002, Trung Quốc bắt đầu tổ chức “Diễn đàn Bác Ngao” 2002 nhằm làm đối trọng với “Diễn đàn kinh tế Davos”.

 "Diễn đàn Bác Ngao" 2013.

Nhưng “Diễn đàn Bác Ngao” cứ teo dần, đại biểu tới dự thưa thớt.

Tân Hoa Xã  dẫn lời Tổng thư ký “Diễn đàn Bác Ngao” Chu Văn Trọng ngày 4/4 nói rằng diễn đàn năm nay họp trong 3 ngày từ 6/4 tới 8/4/2013 với chủ đề gồm 6 chữ là “Đổi mới, Trách nhiệm, Hợp tác”. Ông cho biết khoảng 1.400 đại biểu từ 47 nước và khu vực đăng ký tham dự với tinh thần “Cùng hội cùng thuyền, đồng cam cộng khổ” để  tìm kiếm biện pháp vượt qua cơn khủng hoảng tài chính hiện nay. Ngoài ra có khoảng gần 1.000 phóng viên, nhà báo của hơn 200 cơ quan báo chí các nước tới đưa tin.

Kể từ khi kinh tế phát triển, thực lực đất nước tăng lên, Trung Quốc muốn mình trở thành một trung tâm kinh tế khu vực và thế giới, nên đã tổ chức ra một diễn đàn tương tự như “Diễn đàn Davos” ở châu Âu. Đó là “Diễn đàn Bác Ngao” với phiên họp đầu tiên diễn ra khá rầm rộ vào năm 2002, nhưng sau đó cứ tẻ nhạt dần và không gây được tiếng vang nào đáng kể.
Chính vì vậy, Trung Quốc đề nghị với ông Clause Schwabe, người sáng lập và là Chủ tịch Diễn đàn Davos (Thụy Sĩ) cho Trung Quốc đăng cai tiến hành “Diễn đàn Davos mùa hè” hàng năm. Diễn đàn đầu tiên họp tháng 9/2007 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh với sự tham gia đông đảo của các nhà doanh nghiệp trẻ ở trong và ngoài nước. Kể từ đó, “Diễn đàn Bác Ngao” lại càng tẻ nhạt hơn.

Vốn đã tẻ nhạt, Diễn đàn Bác Ngao năm nay lại họp trong bầu không khí căng thẳng ở điểm nóng Đông Bắc Á xung quanh vấn đề “Vũ khí hạt nhân bán đảo Triều Tiên”. Một bên là Triều Tiên, đồng minh của Trung Quốc với một bên là Hàn Quốc, Nhật Bản – đồng minh của Mỹ đang đe dọa sử dụng vũ lực tấn công nhau kể cả vũ khí hạt nhân. Bác Ngao nằm trong khu vực bị đe dọa,  với bầu không khí căng thẳng này, chẳng mấy ai có tâm trạng để thảo luận vấn đề hợp tác kinh tế. Chính vì vậy, dư luận cho rằng diễn đàn năm nay được tiến hành trong bầu không khí ảm đạm.

Ông Chu Văn Trọng cho biết chủ đề năm nay lấy “Đổi mới” làm đầu vì kinh tế các nước hiện nay đang bị suy thoái, nên muốn phát triển phải “đổi mới” các mặt. Diễn đàn năm nay có đặc điểm là diễn ra trong quy mô nhỏ và đa dạng hóa với 51 buổi hội thảo tiến hành theo diễn đàn nhỏ khu vực. Năm nay, Ban tổ chức lập ra ba diễn đàn khu vực là “Diễn đàn châu Phi”, “Diễn đàn Mỹ Latinh” và “Diễn đàn châu Âu” để doanh nghiệp các nước có điều kiện trao đổi gặp gỡ nhau. Do tình trạng các nước hiện nay đều thực hiện “bảo hộ mậu dịch”, nên “Diễn đàn Bác Ngao” nhấn mạnh tới “Trách nhiệm và hợp tác” giữa các nước với nhau để cùng có lợi.

Khi kinh tế Trung Quốc phát triển ngoạn mục, mọi người đều muốn tới để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, tình trạng hàng hóa giá rẻ và kém phẩm chất của Trung Quốc thời gian qua len lỏi và lan tràn khắp thế giới, gây rối loạn thị trường các nước, nên dư luận các nước đều ngao ngán đối với kinh nghiệm của Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân làm “Diễn đàn Bác Ngao” ngày càng tẻ nhạt hơn trước. diễn đàn này rõ ràng không thể làm đối trọng với “Diễn đàn kinh tế thế giới Davos”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Kiều Tỉnh