|
Tàu chiến và máy bay Trung Quốc tập trận trên Biển Đông.
|
Tranh chấp chủ quyền các vùng biển giàu tài nguyên trên biển Đông đang nhấn chìm các quốc gia trong khu vực vào cuộc đối đầu trực tiếp nguy hiểm. Căng thẳng liên quan đến các tranh chấp biển đảo đang tác động và ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn hơn, đồng thời làm phát sinh các bất đồng và mâu thuẫn mới, tác động đến quan hệ giữa nhiều thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Trung Quốc: Trung tâm tranh chấp nguy hiểm trong khu vực
Bà Carla Freeman, Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc kiêm Giám đốc điều hành Viện Chính sách Đối ngoại tại Đại học Johns Hopkins, nhấn mạnh các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển giàu tài nguyên trên Biển Đông biến nước này trở thành trung tâm của các tranh chấp nguy hiểm trong khu vực.
Sau nhiều năm thực hiện chiến lược “giấu mình, chờ thời” và đạt được thành quả “tăng trưởng kinh tế trong mơ”, Trung Quốc đã bắt đầu hiện đại hóa quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng phục vụ cho nỗ lực khẳng định chủ quyền - trong đó có các yêu sách chủ quyền trên các vùng biển mà đáng chú ý nhất là Biển Đông và Hoa Đông.
|
Tại vùng Biển Hoa Đông, Trung Quốc lao vào tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. |
Tại vùng Biển Hoa Đông, Trung Quốc lao vào tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với đối thủ Nhật Bản. Trong khi đó, trên Biển Đông, Bắc Kinh gây hấn với nhiều láng giềng Đông Nam Á yếu hơn, trong đó đáng chú ý nhất là Philippines.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, Trung Quốc thể hiện một loạt động thái ngày càng quyết đoán để khẳng định và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền biển đảo, bao gồm liên tiếp tập trận hải quân; ban hành lệnh cấm đánh cá cũng như điều hạm đội tàu và máy bay thường xuyên tuần tra khu vực bị nhiều nước ASEAN chỉ trích và lên án. Nhiều thời điểm, căng thẳng chủ quyền biển đảo đe dọa thổi bùng nguy cơ xung đột, gây mất ổn định khu vực.
Bắc Kinh nhất quyết cho rằng, các động thái nhằm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền, địa vị và các lợi ích liên quan của họ trên Biển Đông là phản ứng chứ không phải là cố tình làm leo thang căng thẳng. Theo đó, Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh cam kết hợp tác với các thành viên ASEAN để giải quyết tranh chấp, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Tuy nhiên, những hành động mà Bắc Kinh đã thực hiện, chẳng hạn, thông báo năm 2012 của Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) về một đợt thăm dò lớn trên Biển Đông bị nhiều quốc gia trong khu vực phản đối, Bắc Kinh đang bắt đầu lợi dụng các khả năng vượt trội của họ để khẳng định các yêu sách chủ quyền.
Tầm quan trọng của ổn định khu vực
Tuy nhiên, theo bà Carla Freeman, sự ổn định khu vực là yếu tố quan trọng để duy trì sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong thời đại tất cả các quốc gia phải đối mặt với tình trạng bất ổn quốc tế và các thách thức an ninh toàn cầu, để không đánh mất nhiều lợi ích chiến lược, Trung Quốc cần phải thực hiện các bước để trấn an và làm yên lòng láng giềng có tranh chấp lãnh hải với họ. Các bước này bao gồm thúc đẩy hợp tác và ngăn chặn quân sự hóa xa hơn các tranh chấp lãnh hải.
Đối với Trung Quốc, việc tìm ra con đường có khả năng đảm bảo với khu vực rằng, họ nghiêm tục thực hiện cam kết là láng giềng tốt trong khi vẫn duy trì được lợi ích ở Biển Đông là một thách thức nhưng không phải là không thể. Một bước quan trọng đầu tiên là Bắc Kinh phải làm rõ phạm vi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Tất cả các quốc gia trong khu vực đều rõ, với tấm “bản đồ chín đoạn”, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả các vùng biển gần, thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Tuy nhiên, Trung Quốc là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, do đó, các yêu sách chủ quyền biển đảo của họ cần trước hết phải dựa trên cơ sở pháp lý phù hợp. Bắc Kinh cần làm sáng tỏ điểm này để giám bớt các quan ngại khu vực (thậm chí quốc tế) về tham vọng vô đáy của họ ở Biển Đông.
Không chỉ tuyên bố suông, Trung Quốc cần xác định và thể chế hóa các quy trình giải quyết tranh chấp bằng cách tích cực theo đuổi việc thiết lập các quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông để xây dựng lòng tin và giảm nguy cơ các bên tham gia tranh chấp dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN muốn xây dựng cách tiếp cận đa phương về vấn đề Biển Đông trong khi Trung Quốc lại kiên quyết ủng hộ các cuộc đàm phán song phương nhằm để giành được nhiều lợi thế hơn. Do đó, trước tiên các bên cần thể hiện tình thần hợp tác và thiện chí để gạt bỏ các bất đồng về cách thức đàm phán thì các tranh chấp biển đảo trên Biển Đông mới có cơ hội được giải quyết.
Trung Quốc nên theo đuổi các thỏa thuận với các nước láng giềng về việc cùng khai thác thương mại các nguồn tài nguyên trong khu vực tranh chấp. Một thỏa thuận như vậy không phải không có khả năng. Arab Saudi và Kuwait đã đạt thành công trong việc đạt được thỏa thuận để cùng khai thác dầu trong khu vực tranh chấp.
Những giải pháp tương tự như thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác, quản lý và khai thác chung sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Kết hợp với bộ quy tắc ứng xử ràng buộc trên Biển Đông, nguy cơ xung đột quân sự quy mô và nguy hiểm theo sau các tranh chấp biển đảo chồng chéo trong khu vực sẽ giảm thiểu đáng kể.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Bạch Dương