Giữa tháng 12, Thủ tướng Ukraine Yatseniuk đã chính thức tuyên bố về kế hoạch xây dựng “Vạn lý trường thành của Ukraine” - dự án Wall. Dự án này nhằm xây dựng đường biên giới giữa 2 nước Nga và Ukraine, kế hoạch được ông Yatseniuk công bố được cho là kinh tế và hiệu quả hơn so với tính toán của Kiev.
Kiev đang tiến hành xây dựng hàng rào biên giới dài hàng ngàn cây số với Nga nhằm ngăn chặn lực lượng quân sự và bán quân sự của Moscow xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Ukraine.
Theo như ước tính của chính phủ Nga, Ukraine sẽ mất đến 4 năm và 500 triệu USD để hoàn thành dự án này. Việc tiêu tốn quá nhiều tiền bạc và thời gian khiến mọi người đặt một dấu hỏi lớn về mức độ hiệu quả của nó.
Những bài học trên thế giới
Mặc dù dự án Wall của Ukraine có tính chất khá khác biệt so với các công trình công sự nổi tiếng khác ở châu Âu như “Tường thành Berlin”, nhưng nó vẫn gợi cho thế giới nhớ về nhiều dự án xây dựng đường biên gây tranh cãi như hàng rào biên giới Mỹ - Mexico, “Bức tường hòa bình Belfast”.
|
Biên giới Nga - Ukraine. |
Theo công bố của Thủ tướng Ukraine Yatseniuk, dự án Wall chính thức khởi công hôm 9/12 và được phê duyệt khoảng 517 triệu USD ngân sách. Chính phủ Ukraine cũng đồng thời xây dựng một cơ quan chuyên biệt để quản lý đường biên giới.
Kế hoạch gây tranh cãi này của Kiev đã trở thành tiêu điểm của nhiều cuộc tranh luận kéo dài trong hàng tháng qua.
Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko đưa ra luận chứng: “Cả Vạn lý trường thành của Trung Quốc, phòng tuyến Maginot hay phòng tuyến Mannerheim đều không mấy phát huy tác dụng khi đất nước bị xâm lược quân sự.”.
Tổng thư ký của Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland thậm chí còn cho rằng kế hoạch xây dựng đường biên của Ukraine là “không chấp nhận được”.
Về phía Nga, các lời chỉ trích chủ yếu đến từ Quốc hội, các thượng nghị sỹ và Thủ tướng. Các lãnh đạo Nga cho rằng đây là biện pháp không cần thiết vì “tình bằng hữu” giữa Nga và Ukraine.
Ukraine dường như đã quá lạc quan khi cho rằng có thể xây dựng 2.295 km hàng rào biên giới chỉ với 500 triệu USD. Đã có nhiều minh chứng cho thấy rằng họ cần nhiều nguồn lực hơn nữa để thực hiện một dự án như vậy.
Theo báo cáo của Tổ chức Đánh giá xây dựng toàn cầu, công trình 800 km hàng rào chống khủng bố tại Israel đã tiêu tốn hơn 2 tỷ USD mà vẫn chưa được hoàn thành.
Theo ước tính độc lập của Quốc hội Mỹ vào năm 2007 được Forbes trích dẫn, công trình đường biên giới dài 1125km giữa Mỹ và Mexico sẽ mất khoảng 25 năm xây dựng và 49 tỷ USD ngân sách để hoàn thành.
Tổ chức An ninh toàn cầu cũng công bố số liệu cho biết, chi phí cho một dặm đường biên như trên rơi vào khoảng từ 1 đến 3,8 triệu USD. Hơn nữa, vẫn chưa có đủ cơ sở để chứng minh rằng những công trình công sự như trên có đủ khả năng giúp chống lại sự xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp.
Ở một diễn biến khác, theo tờ Economist, để duy trì “Bức tường Hòa bình Belfast”, Anh tiêu tốn lên đến 2,36 tỷ USD một năm. Công trình đắt đỏ này được dựng lên vào năm 1969 để chấm dứt tình trạng thù địch giữa các cộng đồng Công giáo và Tin lành ở Ulster, đây được cho là cái giá đắt nhất được đưa ra để đổi lấy hòa bình trong lịch sử nhân loại.
Do đó, dự án xây dựng đường biên giới của Ukraine nếu được thực hiện sẽ tiêu tốn một khoản tiền lớn, vượt xa ngân sách 500 triệu USD được định ra hiện tại.
Ngoài ra, Kiev cũng lên kế hoạch cho nhiều hỗ trợ về an ninh khác như hệ thống hào rộng và sâu dọc theo đường biên thực thế, tháp điều khiển, hệ thống điện cũng như các phương tiện giám sát khác. Sẽ là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia nếu như nhà nước quyết tâm duy trì một cấu trúc phức tạp như vậy.
Mức độ phức tạp của đường biên giới Ukraine - Nga
Đường biên giới giữa Nga và Ukraine tính cho đến nay gần như chưa được phân định rõ ràng. Ở một số vùng, đường biên giới quốc gia chạy qua các thị trấn, đường phố và thậm chí là cả nhà dân, đó là sự phân chia không mang tính dân tộc.
Trong bài báo về miền Đông Ukraine trên tờ Bloomberg Businessweek, tác giả Denis Kazansky cho biết: “Tại các tiểu bang, đường biên giới thậm chí cắt qua đường phố và sân nhà của người dân. Họ thường đùa với nhau rằng họ có thể dùng bữa tại Ukraine và đi vệ sinh tại Nga trong chính ngôi nhà của mình".
|
Một đoạn tường biên giới giữa Nga và Ukraine đang được Kiev xây dựng. |
Cho đến nay, dự án Wall đã gặp phải nhiều sự phản đối kịch liệt tại Ukraine, nhiều người tin rằng dự án này được lập nên không chỉ vì lý do an ninh. Nhà bình luận chính trị người Ukraine Volodymyr Fesenko cho rằng đây là một “hành vi làm rùm beng ngớ ngẩn”.
Một số phân tích viên cũng cho rằng việc thực hiện dự án này là “hại nhiều hơn lợi” vì đây sẽ là cơ hội cho các hành vi hối lộ, rửa tiền và tham nhũng leo thang.
Ông Daria Kalenyuk đến từ Trung tâm hành động chống tham những phát biểu trên tờ Kiev Post:”Chúng ta nên để các chuyên gia xây dựng nước ngoài nghiên cứu các tài liệu liên quan, đây cũng là cơ hội tốt để mời họ tham gia vào quá trình giám sát và kiểm tra việc đảm bảo thực hiện.”.
Các chuyên gia quân sự của Ukraine cho rằng, đường biên kiên cố được xây dựng sau dự án sẽ phát huy tác dụng trong cuộc chiến phòng chống tội phạm đường biên như với Mỹ hoặc Ulster, nhưng nếu thay vào đó là một cuộc chiến tranh thật sự thì lại là chuyện khác.
Tờ Kiev Post cũng dẫn lời ông Viacheslav Tseluiko đến từ Trung tâm Quân đội, Chuyển đổi và Nghiên cứu giải trừ quân bị cho biết:”Tôi có thể đưa ra ví dụ, việc xây dựng những hạm đội xe tăng là rất tốn kém nhưng lại không mang tới tác dụng nếu như không có đội quân lính tăng hỗ trợ. Như vậy Ukraine cũng khó lòng tập trung được một lực lượng đầy đủ để giữ vững an ninh cho hơn 2000km đường biên.”
Thủ tướng Yatseniuk đang thể hiện sự kiên định của mình trong việc quyết tâm dựng nên một bức tường kiên cố giữa Nga và Ukraine, tuy nhiên những bất cập trong dự án “Wall” của Ukraine sẽ nhanh chóng lộ ra chỉ trong giai đoạn đầu thực hiện.
Hoàng Anh