Tương lai Syria không phụ thuộc vào số phận của ông Assad

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thư ký Ban Ki-moon nói, giải pháp cho khủng hoảng Syria không thể phụ thuộc vào số phận một con người.

Hôm nay (18/12), bộ trưởng ngoại giao từ 17 quốc gia - trong đó có các quốc gia đóng vai trò then chốt như: Nga, Iran, Saudi Arabia và Mỹ - sẽ  nhóm họp tại New York cho vòng ba đàm phán về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 5 năm qua ở Syria.
Tuong lai Syria khong phu thuoc so phan cua ong Assad
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon: Bất đồng về tương lai của Tổng thống Syria Al-Assad không nên cản trở tiến trình hòa bình Syria.
Trước vòng đàm phán quốc tế này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nói rằng, những bất đồng về tương lai của Tổng thống Syria Al-Assad không nên cản trở tiến trình nhằm đạt được triển vọng hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.
“Chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria không nên phụ thuộc vào tương lai số phận của Tổng thống Bashar al-Assad”, AFP dẫn lời Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói hôm 16/12.
"Không thể chấp nhận được rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria lại phụ thuộc vào số phận của một người", Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu trong một cuộc họp báo.
"Đó là điều không thể chấp nhận được", ông nhắc lại.
Mỹ- Nga thu hẹp bất đồng về vấn đề Syria
Ngày 15/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến thăm tới Nga, một trong những nội dung là giải pháp cho khủng hoảng Syria.
Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hai bên đã thảo luận các đề xuất cho tiến trình hòa bình ở Syria và những bất đồng hiện nay giữa 2 nước. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Mỹ và Nga cần “thu hẹp các bất đồng” và tìm ra những điểm chung nhằm cùng nhau đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này.
Trước khi hội đàm với Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Hai bên thừa nhận vẫn còn tồn tại những khác biệt trong vấn đề Syria, song Nga và Mỹ có thể hợp tác để giải quyết một số vấn đề cụ thể. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: “Chúng tôi ủng hộ ý tưởng triệu tập một cuộc họp nữa của Nhóm Quốc tế hỗ trợ Syria ở New York vào ngày 18/12”.
Dư luận quốc tế cho rằng, chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được xem là tín hiệu tích cực giữa 2 cường quốc. Hãng tin RT của Nga dẫn lời ông Kerry khẳng định: “Về cơ bản, chúng tôi nhìn nhận vấn đề Syria rất giống nhau, chúng tôi đều nhìn ra được các mối nguy hiểm, các thách thức và mong muốn đạt được một kết quả chung”.
Quan điểm khác biệt của các bên tham gia đàm phán
Ở vòng đàm phán gần đây nhất, Nhóm Quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) đồng ý tham gia cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc chủ trì và tiến hành một lệnh ngừng bắn vào tháng 1/2016, thực hiện chuyển giao chính trị trong 6 tháng, dẫn tới tổng tuyển cử và xây dựng một hiến pháp mới trong 18 tháng.
Công cuộc chuẩn bị cho các cuộc đàm phán đang tiến triển, nhưng Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho biết "khoảng cách là rất rõ" [khác biệt giữa các bên- ND] đối với vấn đề Tổng thống Assad sẽ đóng vai trò gì trong chính phủ chuyển giao.
"Chúng tôi vẫn hoàn toàn tin rằng. chừng nào mà Tổng thống Assad còn nắm quyền, sẽ vô cùng khó khăn để hướng sự chú ý của các quốc gia và các nhóm vũ trang khác vào mục tiêu chống khủng bố và chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS", AFP dẫn lời bà Power cho biết.
Mỹ và các đồng minh vùng Vịnh và châu Âu mong muốn thúc đẩy việc chuyển giao chính trị với yêu cầu Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực, nhưng Nga và Iran lại phản đối lập trường đó.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon chỉ ra rằng, các nước tham gia đàm phán quốc tế đã linh hoạt hơn, nhưng nhấn mạnh rằng không thể giải quyết vấn đề một cách nóng vội.
"Một số nước đang thể hiện các sắc thái quan điểm khác nhau. Việc ông Assad tại vị có thể đóng một vai trò nào đó, hoặc đáp ứng nhu cầu nào đó, song cũng chỉ giới hạn trong vài tháng, vấn đề này sẽ phải được quyết định sau đó", ông Ban Ki-moon nói.
Hơn 250.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột Syria nổ ra tháng 3/2011 và khoảng 12 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa.

Theo VOV.VN