Vấn đề Triều Tiên sau vụ thử bom khinh khí

Google News

(Kiến Thức) - CHDCND Triều Tiên thông báo đã tiến hành thử bom khinh khí “thành công hoàn hảo”, ngay trong lần kích nổ đầu tiên.

Tiến sĩ John Nilsson-Wright, phụ trách Chương trình Châu Á của Chatham House, đặt câu hỏi liệu tuyên bố của Triều Tiên về thử bom khinh khí đáng tin cậy đến đâu, và điều đó có thể có nghĩa gì cho khu vực.
Van de Trieu Tien sau vu thu bom khinh khi
CHDCND Triều Tiên thông báo đã tiến hành thử nghiệm bom khinh khí “thành công hoàn hảo”, ngay trong lần kích nổ đầu tiên.  
Động cơ của Bình Nhưỡng là gì?
Ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) đang cố gắng làm hai việc:
Thứ nhất, tăng cường quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un bằng cách chứng minh rằng Bình Nhưỡng đang tiến tới mục tiêu tăng cường khả năng quân sự và đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân. Kể từ những năm 1960, các nhà lãnh đạo kế tiếp của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã tìm cách phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân có hiệu quả như một phương tiện để nhấn mạnh quyền tự chủ về chính trị và chiến lược của đất nước, đồng thời tăng cường uy tín cá nhân của các nhà lãnh đạo.
Ông Kim Jong-un, kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12 năm 2011, đã đặt một nền kinh tế và quân sự mạnh là trung tâm điểm trong chính sách quốc gia. Cuộc thử nghiệm bom vài ngày trước sinh nhật của ông Kim Jobng-un và bằng chứng về sự thách thức quân sự này của Triều Tiên có thể được thực hiện với chủ ý tăng cường uy tín của ông Kim trên cương vị nhà lãnh tụ tối cao và vị chỉ huy có hiệu quả của đất nước.
Thứ hai, bằng cách kích thích sự chú ý của quốc tế - qua việc hướng sự chú ý ngoại giao quay trở lại Bình Nhưỡng  – mục đích của nó là để buộc cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là Mỹ, phải đàm phán với Triều Tiên. Chính phủ ở Bình Nhưỡng hy vọng sẽ khiến có các cuộc đàm phán dẫn tới…một hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), sự công nhận ngoại giao của Mỹ và mức độ hội nhập nào đó với nền kinh tế toàn cầu và nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Liệu vụ thử “bom khinh khí” của Triều Tiên có thành công?
Hãy còn quá sớm để có thể nói đã diễn ra một vụ thử bom khinh khí thực sự. Nhưng tin tức ban đầu về các địa chấn quanh nơi thử nghiệm gợi ý rằng đó là một thử nghiệm bom 6 kiloton, tương đương với thử nghiệm lần cuối của Triều Tiên được thực hiện hồi tháng 2/2013.
Một trái bom khinh khí thực thụ có nhiều khả năng sẽ tạo gây ra chấn động cao hơn nhiều và vì thế các chuyên gia kỹ thuật còn hoài nghi về tuyên bố của Triều Tiên đã thực hiện thử nghiệm một quả bom khinh khí hoàn thiện. Một số người đồn đoán rằng đồng vị hydro có thể đã được sử dụng trong dây chuyền phản ứng hạt nhân, với xác nhận có giới hạn chính thức về đặc tính của bom "hydrogen", nhưng như vậy vẫn chưa phải là một quả bom khinh khí thực sự.
Sẽ còn mất nhiều thời gian thu thập dữ liệu kỹ thuật đủ để xác định bản chất chính xác của thử nghiệm này. Đánh giá từ quá trình thu thập dữ liệu từ xa sau thử nghiệm năm 2013, sẽ phải mất hàng tuần lẽ, có lẽ hàng tháng để các khoa học gia quốc tế và các cơ quan giám sát có thể đưa ra một cái nhìn rõ ràng về thử nghiệm này.
Những tác động trong khu vực
Như chờ đợi, Hàn Quốc và Nhật Bản cực lực lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Cùng với đồng minh Mỹ, chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đã từ lâu dự đoán khả năng xảy ra một thử nghiệm hạt nhân thứ tư ở  Triều Tiên và đã phải nghĩ sẵn một phản ứng được chuẩn bị và phối hợp kỹ càng.
Bắc Kinh cũng mạnh mẽ lên tiếng chống lại hành động của Triều Tiên, vốn là nước đồng minh của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ rất khó chịu bởi tình trạng gây thêm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Việc một quan chức cấp cao ĐCS Trung Quốc tham dự lễ kỷ niệm Đảng Lao động Triều Tiên hôm 10/10/2015 cho thấy Bắc Kinh có thể có ảnh hưởng nào đó đối với Bình Nhưỡng.
Vụ việc mới này cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc là yếu hơn nhiều so với người ta tưởng và ông Kim Jong-un thực sự có hành động thách thức đối với nước đồng minh Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế có thể làm gì?
Một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhanh chóng được triệu tập. Sẽ có những nỗ lực soạn thảo một nghị quyết lên án hành động của Triều Tiên là vi phạm luật pháp quốc tế. Điều này có thể được kết hợp với những nỗ lực mới nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc hơn đối với chính phủ Triều Tiên, đặc biệt là các biện pháp với mục tiêu nhắm vào các thành viên cao cấp trong chính quyền và tầng lớp ưu tú ở Bình Nhưỡng.
bức ảnh trên truyền hình Bắc Hàn chụp ông Kim Jong-un ký tài liệu cho việc thử nghiệm bom khinh khí
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt trong quá khứ chỉ có những tác động khá hạn chế trong việc làm chậm chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Một vấn đề quan trọng ở đây là thái độ miễn cưỡng của Trung Quốc, nước cung cấp phần lớn viện trợ lương thực và năng lượng cho Triều Tiên, không muốn gây sức ép đáng kể đối với Bình Nhưỡng vì sợ sẽ tạo ra bất ổn cho chính phủ của ông Kim Jong-un.
Chế độ sụp đổ có nguy cơ tạo ra một cuộc di cư ào ạt người tị nạn Triều Tiên qua biên giới dài 800 dặm vào Trung Quốc cũng như một khoảng trống quyền lực có thể bị Mỹ và Hàn Quốc lấp đầy. Đây là kịch bản mà chính phủ Bắc Kinh đều muốn tránh.
Những hệ lụy lâu dài
Một nước Triều Tiên từ từ đều đặn tăng cường khả năng của lực lượng thông thường và hạt nhân sẽ đặt ra mối nguy hiểm chiến lược ngày càng gia tăng tại vùng. Lo lắng lớn nhất là qua thử nghiệm mới nhất này, Triều Tiên sẽ có thể thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân (một vũ khí hydrogien có sức công phá lớn hơn so với một quả bom nguyên tử) và sau đó lắp vào tên lửa đạn đạo trên đất liền hay trên tàu ngầm có khả năng bắn vào Hàn Quốc, Nhật Bản hay có thể là bờ biển phía tây nước Mỹ. Các bằng chứng cho thấy phải vài năm nữa Triều Tiên mới có thể có được khả năng như vậy.
Minh Châu (Theo BBC News)