Cũng như ở các nước khác, chuyện người này giận người kia ở Nga chắc là chuyện bình thường nhưng muốn làm lành với một người đang giận mình ở Sochi thì có cách chữa hiệu quả: trước hết, lên tiếng ca ngợi đoàn vận động viên của họ, nếu thấy chưa ổn thì nói thêm câu “Tôi tin chắc chắn thế nào đội hockey Nga cũng gặp đội hockey Canada ở trận chung kết, chiến thắng đương nhiên thuộc về Gấu Nga”. Chỉ như thế đã đủ xóa bỏ mọi giận hờn.
Người dân Nga mong đợi từng giây từng phút các chiến thắng mà đoàn vận động viên của họ sẽ đem lại, tạo thành áp lực đè thật nặng; nặng đến độ người Tổng Quản Lý các sân vận động tại Sochi là ông Vladimir Cherkasov từng ví von: “Các đoàn khác đến đây chỉ để thắng hay bại, còn chúng tôi thì để sống hoặc chết”.
|
Hai cổ động viên Nga tới cổ vũ cho đội tuyển hockey trên băng của nữ trong trận đấu với đội Nhật Bản hôm 11/2.
|
Câu nói đó nghe có vẻ “hơi quá” nhưng là “sự thật”. Lần cuối cùng đoàn Nga đứng đầu bảng xếp hạng các nước đoạt huy chương là tại Olympic Calgary 1988, sau đó bắt đầu tụt hạng. Hồi 2010 ở Vancouver, họ đứng thứ 11 trong bảng tổng kết với 3 huy chương vàng, 5 bạc và 7 đồng. Thành tích này, theo lời kể của anh Pavel đang làm việc cho đài phát thanh quốc gia Liên Bang Nga “là thành tích tệ nhất, đến độ chúng tôi không muốn nhắc lại”.
Lần này tại sân nhà, “chúng tôi không thể tệ như thế được nữa. Mọi người đòi đoàn vận động viên 2014 phải thành công, và cả nước đều tin họ sẽ thành công”. Sợ chưa đủ mạnh, anh nhà báo chuyên về phóng sự truyền thanh này bảo thêm: “Bắt buộc phải thành công. Không có lý do gì để thất bại”.
Nói thì hùng hổ như vậy, nhưng thật lòng người dân Nga không vội nghĩ đến chuyện đoàn vận động viên của họ sẽ đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia có huy chương, mà, hình như, họ chỉ trông chờ vào thành công của đội hockey. Trong những buổi nói chuyện với các nhà báo Nga, ai nấy đều nghĩ đến ngày đội banh của họ sẽ gặp Canada ở trận chung kết để phục thù trận thua 7-3 ở bán kết Olympic Mùa Đông Vancouver cách đây 4 năm.
“Với người Nga, hockey là môn thể thao vua. Do đó, chuyện thua trận là điều họ không thể nào chấp nhận được. Bất kể là bị loại ở tứ kết hay ở trận chung kết tranh huy chương vàng” là điều bà Phát ngôn viên Aleksandra Kosterina của Ban Tổ Chức Sochi nói với giới truyền thông: “Người dân Nga lẫn Canada cũng như thế giới đều trông chờ trận banh này”.
Người Nga có lý do để trông chờ. Dưới thời Liên Xô, hockey được xem là biểu tượng quốc gia: 9 lần tranh Olympic thì 7 lần lấy huy chương vàng. Từ năm 1991, đội hockey của họ 5 lần tranh Olympic nhưng chỉ lấy được 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng.
Chưa thể biết liệu ước mong của họ có trở thành sự thật hay không, nhưng ngay lúc này hy vọng của người dân Nga đang bùng cháy theo ngọn đuốc cháy sáng trên bầu trời Sochi. Mọi người bảo với nhau Olympic Mùa Đông 2014 chỉ mới bắt đầu, và họ sẽ chiến thắng khi những cuộc tranh tài trở nên sôi nổi và hào hứng hơn, trong đó có cả chiếc huy chương vàng cho môn hockey mà họ đang mong đợi, trong cuộc đua mà họ bảo với nhau là “bắt buộc phải chiến thắng”.
Theo AFP