|
Thành phố Bangalore nối tiếng với tượng thần Shiva và là "Thung lũng Silicon" của Ấn Độ
|
Báo Pháp Libération cho biết 45% số người tự sát ở thành phố Bangalore làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Satish Chandra, giám đốc Viện quốc gia về sức khỏe-tinh thần, cho rằng đó là vì “Bangalore là một thành phố mà sự thất bại là điều không thể nào chấp nhận”.
Tại đây, tự sát xảy ra như cơm bữa từ 10 năm nay và chiếm tỷ lệ cao nhất trong các thành phố lớn của Ấn Độ. Đô thị hóa nhanh chóng, thay đổi văn hóa đột ngột và cạnh tranh quyết liệt chính là những nguyên nhân mà giới nghiên cứu đưa ra nhằm giải thích cho hiện tượng đáng buồn này.
Rakhi Mukherji, một người tình nguyện làm việc cho một đường dây điện thoại tư vấn cho thanh niên nhằm giảm các trường hợp tự sát thuật lại rằng trong số các cuộc gọi của thanh niên gọi đến tâm sự, thường là các vấn đề xung khắc trong gia đình, giữa các thế hệ với nhau. Tại Ấn Độ, nhiều thế hệ cùng sống dưới một mái nhà. Do đó hay xảy ra căng thẳng và con người không sống hạnh phúc. Ngoài ra, còn có các vấn đề về hôn nhân. Thanh niên ngày nay muốn kết hôn trên cơ sở tình yêu, trong khi các bậc cha mẹ thì vẫn muốn bảo vệ truyền thống các cuộc hôn nhân được sắp đặt trước. Tuổi trẻ Ấn Độ ngày nay muốn trở nên hiện đại theo kiểu mẫu Mỹ, mặc quần jean ra đường, tiêu thụ hàng xa xỉ, cao cấp, trang bị điện thoại, xe hơi… vượt mức độ cho phép. Do đó, họ cảm thấy luôn bị bức xúc.
Hơn nữa, cha mẹ thường hy vọng quá nhiều vào sự thành đạt của con cái mà không cần biết con mình như thế nào. Một sinh viên đau buồn khi làm thất vọng cha mình: “Tại đây, việc học rất quan trọng. Cha mẹ cố gắng trả tiền để gửi con vào những trường tốt. Học tốt đồng nghĩa với có việc làm tốt và sẽ tìm được người khá giả để kết hôn”.
Nhìn về góc độ việc làm, lo lắng, áp lực, bị sa thải là những nguyên nhân góp phần đẩy một số thanh niên đến bờ vực tự sát.
|
Giới trẻ ở Bangalore "nghiện" công nghệ thông tin.
|
Bangalore là một thành phố với 8,5 triệu dân và đang phát triển mạnh mẽ. Thành phố này thu hút hàng năm đông đảo người Ấn Độ đến đây sinh sống nhằm hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mất phương hướng và cảm giác thất bại đang chờ đợi không ít người. Một số người cảm thấy chán chường khi “một thân, một mình” sống tại một thành phố đầy bon chen, cạnh tranh quyết liệt. Do đó, khi gặp khó khăn, họ không tìm được chỗ dựa từ gia đình và cảm thấy cô độc.
Văn Bình (theo Liberaton)