John Ridsdel, một trong 4 con tin bị các phiến quân Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines bắt cóc cách đây 6 tháng, đã bị sát hại ngày 25/4, chỉ vài giờ sau khi thời hạn chót nộp tiền chuộc trôi qua.
Con tin người Canada John Ridsdel (68 tuổi) là cư dân thành phố Calgary ở phía Nam tỉnh Alberta. Thủ tướng Trudeau xác nhận Ridsdel đã bị hành quyết và gọi những kẻ ra tay tàn bạo với ông là “sát thủ máu lạnh”.
|
Con tin John Ridsdel (người bị nắm đầu) là cư dân thành phố Calgary ở phía Nam tỉnh Alberta. Ảnh dailymail.co.uk |
Thông tin về việc Ridsdel bị sát hại được đưa ra chỉ vài giờ sau khi hạn chót nộp tiền chuộc trôi qua. Trước đó, trong đoạn băng hình công bố ngày 15/4, Ridsdel và ba con tin khác đã khẩn khoản kêu gọi Chính phủ Canada, Philippines và gia đình nộp 300 triệu peso (6,2 triệu USD) tiền chuộc mỗi người cho nhóm bắt cóc.
Hạn chót nộp tiền là 15 giờ ngày 25/4 theo giờ Philippines. Trong đoạn băng, một trong những kẻ bắt cóc cũng khẳng định đây là tối hậu thư cuối cùng và nếu chúng không nhận được tiền chuộc theo yêu cầu, một trong ba con tin nam sẽ bị chặt đầu.
John Ridsdel là một trong bốn con tin, gồm một người Canada khác là Robert Hall, một người Na Uy và một phụ nữ Philippines, bị các tay súng bịt mặt bắt cóc ngày 21/9/2015 tại một khu nghỉ dưỡng ở Davao, miền Nam Philippines.
Các con tin được cho là đã bị đưa đến đảo Jolo ở Sulu, một tỉnh có nhiều rừng núi rậm rạp ở miền Nam Philippines và là nơi giam giữ nhiều con tin khác. Những kẻ bắt cóc được cho là thành viên nhóm Abu Sayyaf, lực lượng đã bị Canada liệt vào danh sách các nhóm khủng bố từ năm 2003.
John Ridsdel có lẽ đã bị các phiến quân sát hại ngay sau khi thời hạn chót trôi qua, vì vào đúng ngày cuối cùng theo tối hậu thư do nhóm Abu Sayyaf đưa ra, cảnh sát Philippines thông báo tìm thấy “thủ cấp” của một người đàn ông da trắng ở miền Nam nhưng không rõ danh tính.
Nhưng tại sao Ridsdel bị sát hại đầu tiên?
Theo một nguồn tin giấu tên, khi phiến quân Abu Sayyaf tấn công khu nghỉ dưỡng trên đảo Davao, Ridsdel và chủ nhân khu nghỉ dưỡng Sekkingstad đã cố giúp đỡ một đôi nam nữ chống trả những kẻ bắt cóc và rốt cuộc cả hai đã bị bắt đi.
Một người Canada khác là Robert Hall và bạn gái người Philippines Marites Flor cũng bị các phiến quân bắt cóc nhưng không rõ có phải là cặp đôi được Ridsdel giúp đỡ hay không.
Ngoài ra, việc Ridsdel từng là phóng viên của trang tin CBC, phụ trách chuyên mục năng lượng trên tờ Calgary Herald trước khi chuyển sang làm Giám đốc đối ngoại của Petro Canada có lẽ là những lý do khiến ông bị nhóm Abu Sayyaf xử tử đầu tiên.
Trước đó, kể từ khi nhận được tối hậu thư của nhóm bắt cóc, các chính phủ Canada, Na Uy và Philippines đã phối hợp chặt chẽ để tìm kiếm giải pháp cứu sống các con tin. Tổng thống Philippines đã lệnh cho quân đội và cảnh sát mở chiến dịch giải cứu ở miền Nam và những thông tin tình báo cách đây hai ngày vẫn cho thấy cả 4 người này đều khỏe mạnh.
Gia đình các nạn nhân cũng tìm mọi cách bắt liên lạc với nhóm bắt cóc để thương lượng cứu sống người thân của mình. Tuy nhiên, số phận đã quay lưng lại với Ridsdel khi mọi nỗ lực không đem lại kết quả trước khi đồng hồ nhích đến thời hạn chót do nhóm phiến quân đưa ra.
Trong tuyên bố mới nhất, Chính phủ Canada khẳng định an toàn tính mạng cho các con tin là ưu tiên hàng đầu, song nước này kiên định chính sách không trả tiền chuộc. Hiện tại, cả ba con tin còn lại được cho là vẫn còn sống nhưng tính mạng của họ không khác gì “ngàn cân treo sợi tóc” .
Theo Báo Tin Tức