Vào ngày 15/3 tới, bốn tiểu bang quan trọng - Florida, Ohio, Illinois và Missouri - sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ. Đây cũng là ngày đầu tiên mà ban lãnh đạo đảng Cộng hòa cho phép các bang, nếu muốn, thực hiện qui chế người thắng cuộc giành tất cả số đại biểu được phân bổ cho mỗi bang. Các bang Florida (99 đại biểu) và Ohio (66 đại biểu) đang thực hiện cái điều “được ăn cả, ngã về không” này.
|
Bốn ứng viên tổng thống còn lại của phe Cộng hòa.
|
Cả hai bang quan trọng này đều có đại diện tham gia cuộc chạy đua giành quyền đề cử của
đảng Cộng hòa. Đó là Thượng nghị sĩ Marco Rubio ở bang Florida và Thống đốc John Kasich ở bang Ohio. Nhưng
ứng viên Donald Trump lại dẫn điểm trước Thượng nghị sĩ Marco Rubio ở bang Florida và cạnh tranh quyết liệt với Thống đốc John Kasich ở bang Ohio. Nếu hai ông Rubio và Kasich thất bại ở bang nhà của họ, coi như “số phận đã an bài” đối với họ.
Trong nhiều thập kỷ qua, đã xảy ra đấu đá giữa hai phe trong đảng Cộng hòa. Đó là phe Cộng hòa chính thống (Washington và Wall Street) và phe bảo thủ phản đối định chế. Phe chính thống đặt cược vào cửa ứng viên Marco Rubio, trong khi phe bảo thủ tập hợp đằng sau Thượng nghị sĩ Ted Cruz. Thế nhưng, ứng viên-tỷ phú Donald Trump lại đang dẫn điểm cách biệt trước hai “ứng viên ruột” của phe Cộng hòa.
Nếu hai ứng viên Marco Rubio và John Kasich bỏ cuộc, trong tình thế tuyệt vọng, đảng Cộng hòa đành phải đề cử hoặc một kẻ thù cũ (Ted Cruz và Đảng Trà) hoặc với kẻ thù mới (Donald Trump).
Một phe “ngoại đạo” đang xâm nhập và tìm cách tiếp quản đảng Cộng hòa. Mục tiêu của phe này là chống các định chế dân túy. Những người ủng hộ phe Cộng hòa ghét Tổng thống Barack Obama, trong khi phe “ngoại đạo” ủng hộ Donald Trump lại ghét ban lãnh đạo đảng Cộng hòa vì cái tội thất bại trong việc ngăn chặn chính quyền Obama.
Tỷ phú Donald Trump chính là người thách thức các định chế trong đảng Cộng hòa. Những người ủng hộ coi việc bỏ phiếu cho Donald Trump là một cách để thách thức ban lãnh đạo đảng Cộng hòa. Họ sử dụng vị tỷ phú ăn nói bạt mạng này “để tiếp quản đảng Cộng hòa hoặc làm nổ tung đảng này”.
Donald Trump không phải là một nhà tư tưởng và cũng không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp mà là một doanh nhân. Những người ủng hộ ông cho rằng nên điều hành chính phủ như điều hành một doanh nghiệp.
Không ít cử tri Mỹ tin rằng chính giới là kẻ thù của việc giải quyết vấn đề. Vì sao nước Mỹ không xử lý nổi các khoản nợ quốc gia? Đó là do chính giới can thiệp quá sâu. Vì sao thế giới không thể đối phó với biến đổi khí hậu? Theo họ, đó là lỗi của giới chính khách.
Chỉ có điều, người ta không thể điều hành một chính phủ như điều hành một doanh nghiệp. Kinh doanh không phải là dân chủ. Nếu doanh nghiệp là một nền dân chủ, thì nó sẽ giống như chính phủ: ít hiệu quả và chủ quan duy ý chí hơn. Đó là lý do tại sao tỷ phú Donald Trump có truyền thống cực đoan phi dân chủ. Tỷ phú Trump muốn điều hành chính phủ như điều hành một doanh nghiệp, trong đó ông ta chính là ông chủ.
Niềm hy vọng cuối cùng của lực lượng chống Donald Trump là ứng viên tổng thống “ngoại đạo” này không hội đủ số đại biểu cần thiết để giành quyền đề cử của đảng Cộng hòa tại Đại hội đảng vào Tháng Bảy tới. Nếu tất cả các ứng viên đều không hội đủ số đại biểu cần thiết, Đại hội đề cử của đảng Cộng hòa sẽ là một cuộc mặc cả và phe Cộng hòa có thể đề cử một ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng không phải là Donald Trump.
Ban lãnh đạo đảng Cộng hòa đang tự lừa dối bản thân. Giả sử Donald Trump vẫn giành được số lượng đại biểu lớn nhất nhưng không hội đủ số đại biểu cần thiết, ông ta sẽ không khoanh tay đứng nhìn Đại hội đảng Cộng hòa đề cử một ứng viên khác có số đại biểu thấp hơn ông ta. Donald Trump và những người ủng hộ sẽ còn làm dữ hơn, nếu Đại hội đảng Cộng hòa đề cử một ứng viên Tổng thống Mỹ không kinh qua các cuộc bầu cử sơ bộ hoặc họp kín cấp bang.
Những người ủng hộ Donald Trump sẽ phản đối rằng ban lãnh đạo đảng Cộng hòa gian lận và coi thường sự lựa chọn của cử tri. Họ sẽ phá bĩnh tại Đại hội đảng Cộng hòa hoặc tẩy chay đại hội này.
Những người chống Donald Trump trong đảng Cộng hòa đang nói về khả năng rời đảng và đề cử một ứng cử viên tổng thống Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11/2016, nếu Donald Trump trở thành ứng viên tổng thống của đảng. Phải chăng đây sẽ là hành động tự sát? Liệu sự chia rẽ nội bộ này có đảm bảo sẽ đánh bại bà Hillary Clinton, ứng viên tiềm năng nhất của đảng Dân chủ?
Có lẽ, những người chống Donald Trump trong đảng Cộng hòa còn suy tính lâu dài hơn. Nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, ông sẽ hủy diệt đảng Cộng hòa. Nếu Hillary Clinton trở thành tổng thống, bà này sẽ đoàn kết Đảng Cộng hòa… để chống lại bà.
Video tỷ phú Donald Trump tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 (Video IBT):
Minh Châu (Theo Reuters)