Vì sao Hải quân Trung Quốc “giỡn mặt” Nhật Bản?

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc muốn phát đi tín hiệu gì, khi lần đầu tiên đưa một đội tàu chiến đi qua eo biển hẹp La Perouse và vòng quanh phía Đông Nhật Bản?


 
Đội tàu chiến hiện đại của Trung Quốc đã lần đầu tiên đi qua eo biển hẹp La Perouse, giữa hai đảo Hokkaido (Nhật Bản) và Sakhalin (Nga) và tiến ra Bắc Thái Bình Dương.

Sau khi hoàn tất cuộc tập trận chung kéo dài một tuần chung với Hải quân Nga, các tàu đã có thể đi thẳng từ Biển Nhật Bản về căn cứ Thanh Đảo. Thế nhưng, Bắc Kinh đã gửi một tín hiệu rõ ràng đến Tokyo bằng cách đưa đội tàu chiến hiện đại này đi vòng qua phía Đông Nhật Bản.

Quyết định này nhằm thể hiện sức mạnh của Hải quân Trung Quốc. Tuần trước, đội tàu chiến Trung Quốc nói trên đã cùng với nhiều tàu chiến Nga tiến hành cuộc tập  trận bắn đạn thật “Hợp lực trên biển-2013” trong vùng Biển Nhật Bản, ngoài khơi cảng Vladivostok.

 

 

“Hợp lực trên biển-2013”  có khoa mục bắn đạn thật trên biển.

“Hợp lực trên biển-2013” nhắm vào liên minh Mỹ-Nhật. Trung Quốc và Nga đều có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và hai cường quốc này là đối thủ địa chính trị “nặng ký” của Mỹ.


Đầu tuần trước, trong “Sách trắng Quốc phòng 2013”, lần đầu tiên Nhật Bản nói thẳng các hành động của Trung Quốc là mối đe dọa, Bắc Kinh tìm cách “thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”, “hành động nguy hiểm có thể làm phát sinh tình huống khẩn cấp” và  “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Bắc Kinh đã nhanh chóng phản bác “Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản”. Người phát ngôn  Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Tokyo đang thổi phồng “mối đe dọa Trung Quốc…để tạo ra một cái cớ cho cho việc tăng cường sức mạnh quân sự”, trái với Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
 
Đội tàu chiến Trung Quốc "giỡn mặt" Tokyo, đi qua eo biển La Perouse vòng quanh  Nhật Bản về căn cứ Thanh Đảo.

Quyết định đưa đội tàu chiến hiện đại đi qua eo biển La Perouse và vòng quanh Nhật Bản là một phần của một nỗ lực phô trương sức mạnh đại dương của Hải quân Trung Quốc.


Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính đang dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu quân sự đáng kể ở Mỹ và  buộc Nhật Bản tự chủ hơn trong lĩnh vực quốc phòng.

Hiện có một nguy cơ thực sự về  chạy đua vũ trang trong khu vực Đông Bắc Á và một tính toán sai lầm có thể dẫn đến thảm họa lớn.



Lê Chân (theo atimes)