Italy đang là "ổ dịch" Covid-19 lớn nhất Châu Âu. Mặc dù Italy đã thực hiện một loạt biện pháp mạnh nhằm đối phó dịch bệnh, trong đó có phong tỏa toàn quốc và đóng cửa tất cả doanh nghiệp không thiết yếu, số ca mắc và tử vong vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) ở nước này vẫn không ngừng tăng mỗi ngày.
Hôm 21/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte gọi đại dịch Covid-19 là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II". Tính đến trưa ngày 24/3, số ca mắc bệnh ở Italy là gần 64.000 với hơn 6.000 người tử vong. Italy hiện là nước có tỷ lệ tử vong vì virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, lên tới 9%.
Trước tình hình hiện nay tại Italy, chắc hẳn không ít người đặt câu hỏi vì sao quốc gia Châu Âu này lại rơi vào cuộc "khủng hoảng" như vậy?
|
Số ca mắc Covid-19 ở Italy đã lên gần 64.000 người. Ảnh: Reuters. |
Massimo Galli, người đứng đầu Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco ở Milan - thành phố chính trong khu vực Bologna bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 - đã đưa ra nhận định riêng. Được biết, 68% tổng số ca tử vong của Italy là tại Bologna.
Theo Galli, khi tình hình trở nên xấu đi nhanh chóng trong tháng qua, Italy chỉ tập trung xét nghiệm cho những người có triệu chứng nặng mà "bỏ qua" người có biểu hiện nhẹ hoặc đang trong thời gian ủ bệnh.
Người nhiễm virus corona chủng mới có thể ủ bệnh trong 14 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng như sốt và ho khan. Trong thời gian ủ bệnh đó, họ có thể lây nhiễm bệnh cho người khác. Các chuyên gia tin rằng, chính sự "lây nhiễm lén lút" này đã khiến dịch bệnh lây lan một cách nhanh chóng hơn trong cộng đồng.
Mặc dù virus corona mới có thể lây nhiễm cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng những người già có hệ thống miễn dịch bị suy giảm và có bệnh nền là nhóm đối tượng dễ bị bệnh nặng hơn sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại Italy, 85,6% số người tử vong vì Covid-19 là trên 70 tuổi, theo báo cáo mới nhất của Viện Y tế Quốc gia Italy.
Một số chuyên gia cho rằng dân số già chính là "gánh nặng" của Italy trong cuộc chiến chống Covid-19. Được biết, tỷ lệ dân số già trên 65 tuổi ở Italy là 25%.
Trong khi đó, sự bùng phát dịch trên diện rộng và khó kiểm soát đã khiến các bệnh viện ở Italy rơi vào tình trạng quá tải, từ thiếu hụt nhân lực, cơ sở vật chất, cho đến vật tư y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang,...
Mời độc giả xem thêm video: WHO chính thức đặt tên cho virus corona mới là SARS-CoV-2 (Nguồn video: VTC1)
Ngày 17/3, các liên minh bác sĩ và y tá quốc gia của Italy đã đưa ra một cảnh báo chung rằng hơn 2.300 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh. Họ yêu cầu được trang bị đủ khẩu trang bảo hộ, găng tay và các trang thiết bị khác như là vấn đề an ninh quốc gia cho đội ngũ 900.000 nhân viên y tế trong nước.
Hiện tại, nhiều người cao tuổi cần được chăm sóc đặc biệt trong một thời gian dài, song không có nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ y tế quốc gia ở Italy có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng "ma trận tiếp xúc xã hội" ở Italy là một trong những nguyên nhân khác, mặc dù gián tiếp, khiến dịch bệnh lây lan rộng.
"Người già Italy, mặc dù hầu hết họ sống một mình nhưng họ không cô độc. Cuộc sống của họ có sự tương tác lớn với con cháu. Khi một cú sốc bên ngoài xảy ra, chẳng hạn như sự bùng phát dịch Covid-19, điều quan trọng là phải giảm sự tương tác này. Do vậy, việc cách ly người cao tuổi nền được ưu tiên ngay lập tức", Linda Laura Sabbadini, Giám đốc trung tâm của Viện Thống kê Quốc gia Italy, nói.
Thiên An