Vì sao khó thực thi các thỏa thuận Nga-Mỹ về Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Không thể đạt được và thực thi một thỏa thuận Nga-Mỹ mang tính đột phá về Syria trước khi kết thúc chiến dịch bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Đó là ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhiều lần tìm thấy "tiếng nói chung" về vấn đề Syria. Nhưng, mỗi khi bước vào thực thi các thỏa thuận Nga-Mỹ, thì nội bộ chính quyền của Tổng thống Obama lại có lập trường và hành động khác nhau về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Vi sao kho thuc thi cac thoa thuan Nga-My ve Syria?
 Bức ảnh Tổng thống Obama (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Lầu Năm Góc cho thấy tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong nội bộ chính quyền Mỹ. Ảnh International Business Times
Trong một cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, nhà chính trị học Gevorg Mirzoyan, Phó Giáo sư Trường Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga và chuyên viết cho tạp chí Expert, nhận định:
"Lầu Năm Góc cho rằng Tổng thống Obama là một người yếu đuối không có khả năng thông qua những quyết định phức tạp. Kết quả là Tổng thống Obama liên tục rút lui khỏi những vấn đề nan giải và điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Mỹ. Đã từ lâu, Lầu Năm Góc yêu cầu Tổng thống Obama phát động một chiến dịch quân sự ở Syria. Tuy nhiên, các chính trị gia nhận thức được rằng hành động như vậy có nghĩa là bước vào một cuộc phiêu lưu. Song, giới quân sự vẫn kiên trì đòi phải thực hiện hành động này. Kết quả là Tổng thống Obama thậm chí cấm đề cập đến vấn đề đó trước mặt ông”.
“Hiện thời, Lầu Năm Góc thấy rằng Tổng thống Obama không giải quyết bất cứ điều gì và họ cố tình hành động sau lưng ông ta. Ở giai đoạn này của cuộc xung đột Syria, Ngoại trưởng Kerry rất tích cực ủng hộ việc tiến hành cuộc đàm phán với Nga và Tổng thống Obama ủng hộ ông. Nhưng cuối cùng, tất cả các thỏa thuận đạt được sau các cuộc đàm phán khó khăn đã thất bại bởi vì chính quyền Obama hiện nay không kiểm soát nổi các cơ quan an ninh của Mỹ cũng như các đồng minh của họ. Hóa ra, hiện nay bất cứ thỏa thuận với chính quyền Mỹ đều là vô nghĩa. Và đây không phải vì chúng tôi có thái độ xấu với Hoa Kỳ, mà chỉ vì chúng tôi hiểu rõ rằng, trong tình huống này, người Mỹ không có khả năng thực hiện các thỏa thuận".
Liệu có khả năng Lầu Năm Góc sẽ thông qua quyết định khởi động cái gọi là “Kế hoạch B” về Syria trong tình huống này? Tức là không kích vào các lực lượng chính phủ Syria? Nhiều nhà phân tích cho rằng Lầu Năm Góc đang xem xét một cách nghiêm túc khả năng "làm leo thang căng thẳng để giảm bớt leo thang".
Về điểm này, nhà phân tích Gevorg Mirzoyan nói: "Đúng, ở Lầu Năm Góc có rất nhiều người muốn sử dụng vũ lực. Do đó, trên thực tế hiện có nguy cơ leo thang căng thẳng. Với ‘tối hậu thư’ plutonium Tổng thống Putin đã chỉ ra rằng nên kiềm chế cơn cuồng loạn và chờ đợi một thời gian. Cuối cùng, nếu người Mỹ dám tấn công vào quân đội Syria, trong đó có cả căn cứ Hmeymim, thì không ai có thể đảm bảo rằng họ sẽ không bắn rơi một chiếc máy bay Nga? Còn Nga thì sẽ đáp trả bằng cắch bắn rơi một máy bay Mỹ? Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân bắt đầu mang nét giống như ‘khủng hoảng Caribbe’, thì theo tôi, các đối tác Châu Âu sẽ không hỗ trợ Mỹ trong kịch bản vũ lực của cuộc xung đột. Vì không ai muốn sống trong tình huống xung đột nghiêm trọng giữa hai cường quốc hạt nhân".
“Khả năng tìm kiến một giải pháp mang tính đột phá trong vấn đề Syria có thể xuất hiện sau khi Nhà Trắng có ông chủ mới. Tuy nhiên, không nên lạc quan quá mức, bởi vì cả bà Clinton lẫn ông Trump đều thể hiện thái độ cứng rắn trong chính sách đối ngoại. Nhưng người kế nhiệm Obama có thể dễ dàng hơn thay đổi điều gì đó trong vấn đề Syria”.
Nhà phân tích Gevorg Mirzoyan nói tiếp: "Ông chủ mới (của Nhà Trắng) sẽ không chỉ thông qua quyết định, mà còn phải thực hiện các quyết định của mình. Theo tôi, không nên ‘ác quỷ hóa’ quá mức bà Hillary Clinton. Đúng, bà Clinton có quan điểm khá cứng rắn về tình hình hiện nay. Nhưng, nếu bà lên nắm chính quyền thì cũng có thể thay đổi quan điểm của mình và sẽ có thái độ tỉnh táo hơn. Trong trường hợp này Lầu Năm Góc cũng có thể thay đổi lập trường cứng rắn của mình. Sau đó hai bên có thể dễ dàng hơn nối lại cuộc đối thoại. Hình ảnh của Mỹ bị tổn thất trong con mắt cộng đồng quốc tế khi bị mắc kẹt ở ‘đầm lầy Syria’. Tôi cho rằng Mỹ và Nga có các lợi ích chung: không can thiệp quá sâu vào cuộc nội chiến Syria mà tập trung nỗ lực để chấm dứt cuộc chiến này. Việc tìm kiếm một thỏa hiệp sẽ phục vụ lợi ích của cả hai nước".
Minh Châu (Theo Sputnik)