Vì sao nạn tham nhũng bùng phát ở Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Vì sao nạn tham nhũng bùng phát ở Trung Quốc và ban lãnh đạo hiện nay ở Bắc Kinh làm thế nào để giải quyết vấn nạn này?

Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat, cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Trung Quốc Yukon Huang nhận xét rằng ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc xem ra khá thận trọng về cải cách kinh tế, nhưng khá mạnh bạo trong chiến dịch chống tham nhũng. Chiến dịch này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng nhưng những tác động kinh tế trước mắt của nó là khá phức tạp. Giới quan chức tỏ ra do dự trong khâu ra quyết định, tiêu thụ xe sang đã giảm mạnh và tăng trưởng kinh tế có xu hướng ngày càng chậm đi. Điều này khiến người ta đặt câu hỏi về vai trò của tham nhũng trong quá trình phát triển của Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua.
Các phân tích về tham nhũng ở Trung Quốc thường gây nhầm lẫn. Làm thế nào để phát hiện tham nhũng và tác động của nó đối với nền kinh tế Trung Quốc như thế nào?
Về tác động kinh tế của tham nhũng ở Trung Quốc, có ba vấn đề nổi bật. Thứ nhất, hầu hết các nghiên cứu học thuật dựa trên kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng tham nhũng làm chậm tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng Trung Quốc lại là trường hợp ngoại lệ. Điều này đặt ra một câu hỏi: Phải chăng Trung Quốc phát triển rất nhanh trong mấy thập kỷ qua nhờ chấp nhận hoặc để cho tham nhũng tồn tại.
Vi sao nan tham nhung bung phat o Trung Quoc?
Tham nhũng ở Trung Quốc bùng phát cùng với công cuộc cải cách mở cửa của "trưởng lão" Đặng Tiểu Bình.
Tham nhũng không chỉ tồn tại dai dẳng trong lịch sử các triều đại Trung Quốc, mà còn nở rộ cùng với công cuộc cải cách kinh tế của  Đặng Tiểu Bình. Quá trình mở cửa nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ khoảng năm 1980 đã mở đường cho một nền kinh tế thị trường và tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển trong thời kỳ quá độ. Câu nói nổi tiếng "làm giàu là vinh quang" của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã dứt bỏ mọi băn khoăn về đạo lý, khiến người Trung Quốc đua nhau kiếm tiền một cách hợp pháp và cả bất hợp pháp nữa.
Việc tạo ra "nền kinh tế hai tốc độ" theo định hướng thị trường đã tạo động lực tương tác tham nhũng giữa ba “tác nhân chủ chốt”. Các doanh nghiệp tư nhân nhận thấy những tiềm năng để phát triển  nhưng lại thiếu các nguồn lực để thực thi ý tưởng kinh doanh. Do đó, họ phải liên kết với đại diện của doanh nghiệp nhà nước - người có thể cung cấp các nguồn tài nguyên và đặc biệt nguồn tài chính từ các ngân hàng quốc doanh. Điều này cần có sự cho phép của các quan chức địa phương và dẫn đến “liên minh ma quỉ” giữa giới quan chức, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Như vậy, ở Trung Quốc, tham nhũng lại song hành với tăng trưởng.  Ở các nước khác, tham nhũng thường làm chậm đà phát triển vì nó ức chế đầu tư và đầu tư là động lực chính của tăng trưởng. Nhưng Trung Quốc lại khác vì nước này lấy đầu tư tràn lan để thúc đẩy tăng trưởng.  Tham nhũng ở Trung Quốc cũng giúp doanh nghiệp “luồn lách”, vượt qua các “núi” quy định đôi khi lỗi thời và trái ngược nhau của bộ máy quan liêu tập trung bao cấp.
Hơn nữa, hệ thống hành chính khu vực phân cấp độc đáo của Trung Quốc lại đề ra các mục tiêu đầu tư và sản xuất có lợi cho giới quan chức địa phương. Điều này có một sự thống nhất về mục đích là tăng trưởng bằng mọi giá, ngay cả khi tham nhũng phát triển tràn lan. Tham nhũng còn được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa các địa phương vốn nôn nóng tìm mọi cách để đạt được mục tiêu đã đề ra và “ganh đua” với nhau về tốc độ cải cách kinh tế.
Tham nhũng trong giai đoạn chuyển đổi đã trở nên trầm trọng bởi sự tồn tại của “hai loại giá” đối với  hàng tiêu dùng và nhà sản xuất. Đó là giá được thị trường xác định và giá được trợ cấp. Điều này tạo cơ hội cho những kẻ kiếm lời bất hợp pháp thông qua chênh lệch giá. Trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách của Trung Quốc, thu lợi bất chính rất lớn đã được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá chính thức và không chính thức đối với các mặt hàng tiêu dùng cơ bản.
Phương thức "lãnh đạo tập thể" thời hậu Mao Trạch Đông là nhằm tránh xung đột và buộc người ta phải “nhắm mắt bỏ qua” nhiều trường hợp tham nhũng. Hệ quả là lãng phí nguồn tài chính có được từ kết quả lao động của người dân và chính sách mở cửa kinh tế.
Ngày nay, vấn đề nằm ở chỗ giá cả “bị bóp méo”  đối với các đầu vào quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc như đất đai, năng lượng, vốn và lao động. Những trường hợp tham nhũng nghiêm trọng nhất có liên quan đến việc thu hồi đất bất hợp pháp của chính quyền địa phương và của các nhà phát triển tư nhân (có quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương) để phát triển thương mại, chuyển hướng cho vay, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và lạm dụng các nguồn năng lượng.
Tăng trưởng nhanh chóng ở Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho các cấp tham nhũng vì tạo ra của cải nhiều hơn cũng đồng nghĩa  với việc thất thoát nhiều hơn. Tham nhũng cũng được nuôi dưỡng bởi sự chênh lệch gia tăng giữa tiền lương được trả cho công chức và cho những người làm việc ở doanh nghiệp tư nhân, trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa.
Giai đoạn dễ bị tổn thương nhất là giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, khi các quy tắc và tài sản không được phân minh.
Mặc dù tham nhũng không dẫn đến tình trạng trì trệ ở Trung Quốc, nhưng hậu quả tiêu cực của nó là xói mòn nhận thức về công bằng, công lý và đe dọa sự tồn tại của chế độ.
Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012 có tầm quan trọng chính trị to lớn. Đây là chiến dịch lớn thứ ba kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Chiến dịch này giống với chiến dịch do Cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ tiến hành nhằm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo.
Về mặt công luận, chiến dịch này đã làm người dân hài lòng do vấn nạn tham nhũng đang cản trở cải cách kinh tế và thúc đẩy "nền kinh tế ngầm”, cội nguồn chính của bất công xã hội. Tài sản bất chính chiếm từ 10-15%  Tổng sản phẩm quốc nội  (GDP).
Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay nặng về xử lý, trừng trị hối lộ và tham nhũng…thông qua  khung hình phạt nặng hơn. Thế nhưng, theo một nghiên cứu, cơ hội phải vào tù vì tội tham nhũng chỉ là 3% ở Trung Quốc và điều này khiến cho tham nhũng có “nguy cơ thấp, lợi nhuận cao”. Chiến dịch “đả hổ, đập ruồi” đang làm thay đổi đáng kể tỷ lệ giữa nguy cơ và lợi nhuận của tham nhũng.  
Theo nhà phân tích Yukon Huang, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình  sẽ chỉ thành công, nếu giải quyết  được các yếu tố cơ cấu thúc đẩy  tham nhũng. Điều này có nghĩa là phải phá vỡ mối quan hệ tham nhũng giữa “các tác nhân chủ chốt” trong nền kinh tế bằng cách phân định rõ  ràng vai trò và trách nhiệm của  đảng, chính phủ, các doanh nghiệp và các ngân hàng.
Minh Châu (theo The Diplomat)