Chuyến đi sắp tới của ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước - cao cấp hơn chuyến thăm Triều Tiên gần đây nhất của một Chủ tịch Trung Quốc, nêu bật mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa hai láng giềng Đông Bắc Á.
Chuyến thăm kéo dài hai ngày của ông Tập, bắt đầu vào ngày 20/6, là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc tới Triều Tiên sau 14 năm và diễn ra chỉ một tuần trước khi ông dự định gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh: AP. |
"Lãnh đạo của hai nước sẽ xem xét sự phát triển của mối quan hệ song phương và trao đổi ý kiến sâu sắc về sự phát triển của quan hệ Trung - Triều trong kỷ nguyên mới cũng như vạch ra lộ trình phát triển trong tương lai", hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã bình luận hôm 18/6.
Người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đã đến Triều Tiên vào tháng 10/2005 trong chuyến đi kéo dài ba ngày được mô tả là "chuyến thăm hữu nghị chính thức".
Chiến trường ngoại giao khốc liệt
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm 18/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết chuyến thăm của ông Tập nhằm mục đích thúc đẩy mối quan hệ mới trong năm hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tạo sự thúc đẩy cần thiết cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ, theo South China Morning Post.
"Về vấn đề phi hạt nhân hóa, như tôi đã nói, kết quả cuộc gặp lãnh đạo ở Hà Nội vào tháng 2 thực sự có một chút bất ngờ. Song sau đó, mọi người thực sự mong chờ nối lại đối thoại theo chiều hướng tốt", ông Lục nói, đề cập đến hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bốn tháng trước.
Ông Trump nói bóng gió về khả năng có một cuộc gặp khác với ông Kim sau khi nhận được "bức thư rất hay" của nhà lãnh đạo Triều Tiên tuần trước. Hôm 18/6, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc, ông Lee Do Hoon, nói rằng Mỹ đã liên lạc với Triều Tiên.
Washington cũng sẽ cử đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tới Hàn Quốc vào tuần tới, vài ngày sau chuyến thăm của ông Tập tại Bình Nhưỡng, để khẳng định lập trường của mình về vấn đề Triều Tiên với đồng minh.
Trong khi đó, ông Trump xác nhận sẽ gặp song phương với ông Tập tại Osaka vào tuần tới. Trong một tweet đăng ngày 18/6, ông nói rằng họ đã có "cuộc trò chuyện qua điện thoại rất tốt đẹp" và sẽ tổ chức "cuộc gặp mở rộng" tại hội nghị G20, nơi họ sẽ cố gắng xoa dịu căng thẳng trong cuộc chiến thương mại đến nay đã kéo dài một năm.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thảo luận về tình trạng bế tắc thương mại của hai nước trong cuộc họp ăn tối tại G20. Ảnh: AFP. |
Các nhà phân tích cho rằng bán đảo Triều Tiên đã trở thành chiến trường ngoại giao khốc liệt giữa Bắc Kinh và Washington.
Cha Du Hyeogn, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho biết Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh để có ảnh hưởng trên bán đảo.
"Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực. Sau hội nghị thượng đỉnh Singapore giữa ông Trump và ông Kim năm ngoái, Mỹ và Triều Tiên là những nhân tố then chốt duy nhất trong vấn đề bán đảo. Trung Quốc có thể muốn khôi phục ảnh hưởng của mình và trở thành một nhân tố chính", ông Cha nói.
"Tuy nhiên, Trung Quốc ít có khả năng cạnh tranh chiến lược với Mỹ - nghĩa là, họ sẽ không thách thức các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu và mục tiêu của họ là phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trên thực tế, có khả năng thuyết phục ông Kim đến bàn đàm phán để phi hạt nhân hóa hoàn toàn", ông nhận định.
Tăng cường đòn bẩy của Trung Quốc
Trong khi Bình Nhưỡng yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với chế độ sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa, và Bắc Kinh tuyên bố không nên để đời sống của người dân Triều Tiên bị ảnh hưởng, Washington vẫn kiên định duy trì toàn bộ lệnh trừng phạt.
Mỹ cũng đã lên tiếng hoài nghi về việc Trung Quốc tuân thủ các lệnh trừng phạt. Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore đầu tháng 6, người đứng đầu Lầu Năm Góc Mỹ Patrick Shanahan đã cho người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa xem hình ảnh vệ tinh tàu Triều Tiên chuyển dầu gần bờ biển Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết ông Tập sẽ tìm cách sử dụng chuyến thăm để tăng cường đòn bẩy ngoại giao của Trung Quốc trên mặt trận hạt nhân Triều Tiên, qua đó củng cố vị thế trong thỏa thuận với Mỹ.
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 18/6 cho biết ông Tập sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế và thương mại với ông Kim trong chuyến thăm.
Dẫn lời một chuyên gia, bài viết nói Bình Nhưỡng đã thực hiện các bước để cải cách nền kinh tế và giới thiệu kế hoạch sản xuất công nghiệp của Trung Quốc.
Vào tháng 9/2018, Bắc Kinh đã đề xuất xây dựng tuyến đường sắt từ thành phố Đan Đông, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, đến Bình Nhưỡng và sau đó đến Seoul và Busan ở phía nam, cũng như một con đường mới giữa Đan Đông và Bình Nhưỡng qua Sinuiju.
Lu Chao, chuyên gia về các vấn đề của Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, cho biết hợp tác kinh tế quy mô lớn giữa Trung Quốc và Triều Tiên là không thể vì các lệnh trừng phạt nhưng những bước đi nhỏ hơn là có thể.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh vẫn kiên quyết trước nhu cầu của Bình Nhưỡng để đề cao các cam kết về phi hạt nhân hóa có thể đạt được.
"Mục tiêu của Trung Quốc về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là vững vàng và sẽ không thay đổi. Trung Quốc ủng hộ (Triều Tiên) và Mỹ tiếp tục đàm phán", ông Lu nói.
Theo Boo Seung Chan, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Yonsei về nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Bắc Kinh cũng đóng góp một phần quan trọng trong quá trình hòa bình.
"Trung Quốc có thể có vai trò tích cực như một trung gian hòa giải để tạo thuận lợi cho quá trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", ông Boo nói.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Tuyết Mai/Zing.vn