Vì sao Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dịu giọng với Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Vì sao Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dịu giọng với Mỹ và âm thầm chấp nhận sự trợ giúp quân sự của Lầu Năm Góc chống lại phiến quân trên đảo Mindanao?

Ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng toàn diện trên đảo Mindanao.
Vi sao Tong thong Philippines Rodrigo Duterte diu giong voi My?
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chia sẻ quan điểm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về chống khủng bố. Ảnh ghép: Philstar.com 
Quân đội Philippines đã phải vật lộn cả tháng trời để giải phóng Marawi khỏi các tay súng thề trung thành với khủng bố Nhà nước Hồi giáo do Nhóm Maute khét tiếng cầm đầu.
Sử dụng các thiết bị nổ (IED), mạng lưới tinh vi các đường hầm ngầm và triển khai những tay súng bắn tỉa ở các vị trí chiến lược trên khắp thành phố, chỉ vài trăm tay súng Hồi giáo cực đoan đã chiến đấu ngang ngửa với số binh sĩ chính phủ Philippines đông gấp bội và được máy bay, trọng pháo yểm trợ.
Nôn nóng đánh bại nhóm Maute ở thành phố Marawi, Quân đội Philippines đã sử dụng các cuộc không kích tràn lan, dẫn đến cái chết của nhiều thường dân vô tội. Cho đến nay, chiến dịch giải phóng thành phố Marawi đã khiến cho gần 400 người bị thiệt mạng và biến thành phố này thành đống đổ nát, tương tự như Aleppo và Mosul.
Giữa lúc Quân đội Philippines chật vật đánh nhau với các tay súng nổi loạn trong một cuộc chiến tranh đô thị đẫm máu, chính quyền của Tổng thống Duterte buộc phải tìm kiếm sự trợ giúp quân sự của Mỹ.
Chú Sam đã trở lại
Lầu Năm Góc đã cung cấp một khối lượng lớn vũ khí cá nhân như súng máy Gatling M134D, súng phóng lựu M203, súng carbine M4 và súng lục Glock 21 cho quân đội Philippines - ngoài việc cung cấp thông tin tình báo trên thực địa. Mỹ cũng đã triển khai một đơn vị đặc nhiệm để đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho quân đội Philippines tại Marawi.
Trớ trêu thay, chiến sự Marawi và sự phụ thuộc ngày càng tăng của Philippines vào sự trợ giúp của Mỹ để chống khủng bố lại diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Duterte tới Bắc Kinh và Moscow. Ông Duterte vẫn chưa nhận lời mời thăm Nhà Trắng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi đầu năm nay.
Mặc dù ông là Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Philippines, nhưng Tổng thống Duterte ngụ ý rằng Quân đội Philippines đơn phương ra quyết định tìm kiếm hậu thuẫn quân sự của Mỹ mà không hề báo cáo với ông. Ông Duterte than thở một cách đùa cợt: "Đây thực sự là tình cảm của họ. Những người lính của chúng tôi thực sự là những người thân Mỹ, điều mà tôi không thể phủ nhận".
Tuy nhiên, một phân tích chi tiết hơn cho thấy rằng Tổng thống Philippines sẵn sàng hợp tác chống khủng bố với Mỹ. Rốt cuộc, cả hai nước đều lo ngại sâu sắc trước việc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông thành lập một tỉnh của IS trên đảo Mindanao, với sự hậu thuẫn của các tay súng nước ngoài đến từ khu vực Caucasus của Nga và Trung Đông.
Đối mặt với vực thẳm
Vài tuần trước khi xảy ra chiến sự ở thành phố Marawi, trong một bài diễn văn kỷ niệm sự liên minh quân sự Mỹ-Philippines trong Thế chiến II, Tổng thống Duterte nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác với Mỹ chống "những mối đe doạ khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tội ác xuyên quốc gia" để "bảo vệ lợi ích chung”.
Không giống như các đối tác chiến lược ưu tiên của tổng thống Duterte là Nga và Trung Quốc, Mỹ có lịch sử lâu dài về tính tương hợp và tin tưởng lẫn nhau với quân đội Philippines. Nhờ có một loạt thỏa thuận an ninh, Lầu Năm Góc được quyền tiếp cận rộng rãi một loạt căn cứ quân sự của Philippines.
Tuy nhiên, hoạt động chống khủng bố không phải là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Duterte. Tái thiết sau xung đột và nối lại hòa đàm giữa chính phủ với các nhóm nổi dậy chính là mối quan tâm lớn hơn của Tổng thống Duterte.
Tổng thống Duterte đã dành 20 tỷ peso Philippine (400 triệu USD) cho các nỗ lực tái thiết Marawi và hứa sẽ làm cho thành phố bị tàn phá nặng nề này trở lại đẹp đẽ như xưa.
Công bằng mà nói, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thừa hưởng một loạt những thách thức từ những người tiền nhiệm, những người đã bỏ qua nhiều cơ hội để mang lại hòa bình và phát triển cho Mindanao.
Bây giờ, khi đang vật lộn với tình trạng khủng bố và bạo lực mới trên hòn đảo quê hương, Tổng thống Duterte cần nhận được mọi sự giúp đỡ, kể cả của phương Tây, để thực hiện cam kết bầu cử về việc xây dựng một Mindanao “ hòa bình thịnh vượng ".
Minh Châu (Theo Al Jazeera)