Theo Tân Hoa Xã, bà Aung San Suu Kyi thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 14/6, theo lời mời của ĐCS Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của bà Suu Kyi, một chuyến thăm mang tính “đột phá” trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ở Myanmar. Trung Quốc vốn có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền quân sự Myanmar, khi bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia.
Tin đồn đầu tiên nói rằng nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng 11/2014. Dẫn lời các thành viên cao cấp của NLD, hãng Reuters đưa tin rằng bà Suu Kyi sẽ thăm Trung Quốc trong tháng 12/2015. Vào thời điểm đó, cây viết Mu Chunshan của tạp chí The Diplomat lưu ý rằng có nhiều lý do để Trung Quốc mời bà Suu Kyi sang thăm. Đó là để hiển thị mức độ mở cửa của Trung Quốc, để bảo vệ quan hệ Trung Quốc- Myanmar trong một môi trường chính trị thay đổi và để "cạnh tranh" tốt hơn với các nước phương Tây đang xâm nhập vào Myanmar.
Cây viết Mu Chunshan nhận định: "Tăng cường tiếp xúc với (thủ lĩnh đối lập) Suu Kyi là một điều cần thiết đối với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của nước này ở Myanmar".
Việc thiết lập quan hệ với bà Aung San Suu Kyi nói riêng và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) nói chung là đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc trước thềm tổng tuyển cử Myanmar vào cuối năm 2015. Mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh của gần 70 đảng khác – trong đó có đảng cầm quyền là Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), NLD được dự kiến sẽ phát huy thành tích bầu cử năm 2012, khi liên đoàn này giành được 43 trong số 44 ghế tranh chấp. NLD dự kiến giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội cuối năm nay.
Việc NLD có khả năng lên cầm quyền ở Myanmar (chứ không phải bản thân lãnh đạo Suu Kyi vì Hiến pháp Myanmar cấm bà ra tranh chức tổng thống) khiến cho Trung Quốc tích cực tìm cách tiếp cận các nhà lãnh đạo đối lập phe đối lập.
Là đối tác nước ngoài tin cậy nhất của các nhà cầm quyền quân sự Myanmar từng quản thúc tại gia bà Suu Kyi hơn một thập kỷ, Trung Quốc bắt đầu bị lâm vào tình thế bất lợi. Chỉ có điều, bất kỳ đảng phái chính trị nào tìm cách cầm quyền ở Myanmar đều phải giữ mối quan hệ ổn định với “nước láng giềng khổng lồ” phương bắc và bà Suu Kyi cũng đã nhận thức được thực tế này. Điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm hiện nay, khi xung đột sắc tộc ở Myanmar gần biên giới Trung Quốc khiến cho quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng. Giao tranh ở Myanmar đã vượt qua biên giới nhiều lần và đã gây chết người. Điển hình là vụ bom được thả từ máy bay chiến đấu Myanmar bay lạc sang tỉnh Vân Nam và làm chết bốn công dân Trung Quốc.
Khi được hỏi về chuyến thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi nói: "Đây là một chuyến thăm liên đảng quan trọng giữa Trung Quốc và Myanmar. ... Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm của NLD sẽ tiếp tục tăng cường giao tiếp và sự hiểu biết giữa hai bên”.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi cho biết nhà lãnh đạo đối lập Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên này, nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi dự kiến gặp hai nhà lãnh đạo hàng đầu là Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Minh Châu (Theo The Diplomat)