|
Người Mỹ đánh nhau, người Tàu đắc lợi ở Afghanistan.
|
Trung Quốc ủng hộ tiến trình hòa giải giữa Kabul và Taliban là quan trọng đối với tương lai của Afghanistan hậu 2014.
Bắc Kinh kỳ vọng các cuộc đàm phán hòa giải thành công sẽ ngăn chặn Afghanistan lâm vào nội chiến. Tuy nhiên, thực tế, khả năng đàm phán thành công lại mong manh.
Do đó, Bắc Kinh phải chuẩn bị kế sách để “đón đầu” bất cứ lực lượng chính trị nào nổi lên ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này vào năm 2014. Trong những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng liên lạc trực tiếp với Taliban.
Những cuộc đi đêm trong quá khứ...
Trong cuối những năm 1990, Bắc Kinh đau đầu với quan ngại chính quyền Taliban ở Kabul cung cấp nơi ẩn náu cho các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ bỏ trốn khỏi các cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương cũng như lập các trại huấn luyện những nhóm chiến binh này ở Afghanistan. Để giải quyết những quan ngại đó, Bắc Kinh nhận thấy cách tốt nhất là tìm cách “kết thân” với Taliban. Đại sứ Taliban ở Pakistan đã mô tả người đồng nhiệm Trung Quốc ở Islamabad trong những năm 1990 là “người duy nhất duy quan hệ tốt đẹp với Taliban”.
Trong các cuộc họp hồi tháng 12/2000 ở Kandahar, lãnh đạo Taliban Mohammed Omar cam đoan với Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Lu Shulin rằng, Taliban sẽ không "cho phép bất kỳ nhóm nào sử dụng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của họ để tiến hành các hoạt động chống Trung Quốc”. Đổi lại, nhà lãnh đạo Omar ra điều kiện, yêu cầu Trung Quốc chấp nhận 2 yêu sách: một là, chính thức công nhận Taliban về mặt chính trị và bảo vệ họ trước các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, thời điểm đó, cả hai bên không đạt được những điều kỳ vọng ở nhau. Taliban không trục xuất các chiến binh Duy Ngô Nhĩ ra khỏi lãnh thổ của họ. Còn Trung Quốc giữ lập trường ôn hòa tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bằng cách bỏ phiếu trắng đối với các lệnh trừng phạt nhắm vào Taliban nhưng không bao giờ sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ phiến quân. Bắc Kinh cũng trì hoãn công nhận quan hệ ngoại giao với Taliban nhưng vẫn thường xuyên đi đêm với họ.
Thậm chí, dù vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 khiến quan hệ giữa Mỹ và Taliban rạn nứt và sau đó Taliban để mất vị thế ở Afghanistan, Trung Quốc vẫn âm thầm duy trì quan hệ với Quetta Shura, Hội đồng lãnh đạo của Taliban có trụ sở ở biên giới Pakistan. Chưa hết, dù trong giai đoạn này, Trung Quốc cũng bắt đầu thiết lập quan hệ “nồng ấm” với chính phủ Karzai nhưng không bao giờ quá vồn vã vì không muốn làm mếch lòng Taliban.
Trong một cuộc phỏng vấn, một cựu quan chức Trung Quốc tuyên bố ngoài Pakistan, Trung Quốc là nước duy nhất tiếp tục duy trì mối quan hệ với Taliban.
... và hiện tại
Trong 18 tháng gần đây, các cuộc trao đổi, thảo luận giữa Trung Quốc và Taliban diễn ra thường xuyên hơn. Một nguồn tin giấu tên cho biết, đại diện Taliban đã họp với các quan chức Trung Quốc cả ở Pakistan lẫn Trung Quốc.
Chuyên gia Pakistan nhấn mạnh, ủng hộ mạnh mẽ các cuộc đàm phán hòa bình, chính phủ Trung Quốc quan tâm đến việc giảm nhẹ các mối lo an ninh của nước mình hơn là tiến trình hòa giải ở Afghanistan.
Từ đó, tại các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Taliban, mối bận tâm lớn nhất của Bắc Kinh là phong trào độc lập của cộng đồng thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở nước này.
Cũng như trong quá khứ Trung Quốc vẫn duy trì ưu tiên đảm bảo rằng, bất cứ vùng lãnh thổ nào nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban cũng sẽ không biến thành căn cứ của các nhóm chiến binh Duy Ngô Nhĩ. Do đó, Trung Quốc tìm mọi cách hạn chế sự che chở của Afghanistan đối với các chiến binh Duy Ngô Nhĩ.
Hiện tại ở khu vực Bắc Waziristan của Pakistan, một vùng đất xa xôi chịu sự ảnh hưởng của một thủ lĩnh có quan hệ với cả Taliban Afghanistan lẫn Pakistan vẫn có một nhóm chiến binh Duy Ngô Nhĩ nhỏ với khoảng 40 thành viên hoạt động.
Ngoài ra, việc "giữ lửa" quan hệ với Taliban của Bắc Kinh còn nhằm mục đích bảo vệ các khoản đầu tư kếch xù nhiều tỷ đô la của họ ở Afghanistan được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công của nhóm phiến quân.
Dự án kinh tế lớn nhất của Bắc Kinh là mỏ đồng Aynak nằm trong lãnh thổ có sự hiện diện mạnh mẽ của mạng lưới Haqqani, một nhóm nổi dậy liên minh chặt chẽ với Taliban.
Thậm chí, “đi đêm” với các phần tử nổi dậy Hồi giáo, Trung Quốc kỳ vọng loại trừ rủi ro Taliban liệt công dân cũng như các khoản đầu tư của Trung Quốc, hoặc thậm chí lãnh thổ của đại lục vào danh mục mục tiêu tấn công của họ.
Còn nhớ, năm 2007, Taliban đã quy kết trách nhiệm cho Trung Quốc trong vụ tấn công của chính quyền Pakistan vào Thánh đường Đỏ, một thành trì ủng hộ phiến quân tại Islamabad năm 2007. Họ đã trả đũa bằng một loạt các cuộc tấn công vào công nhân Trung Quốc ở Pakistan. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng quan ngại về các nhóm nổi dậy liên kết với Taliban ở Tân Cương.
Vụ nổ súng giết hại phụ nữ Trung Quốc ở Peshawar năm 2011 là trường hợp đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này mà nhóm Taliban Pakistan nhận trách nhiệm và tuyên bố “vụ tấn công là hành động trả thù chính phủ Trung Quốc vì đã sát hại những người anh em Hồi giáo của chúng tôi” ở Tân Cương, địa bàn sinh sống chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin ở Pakistan, giới lãnh đạo cấp cao của Taliban vẫn chủ trương không “gây thù chuốc oán” với Bắc Kinh vì họ đã có đủ kẻ thù rồi. Trong khi đó, Taliban Afghanistan vẫn tiếp tục tìm kiếm lợi ích từ mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc - một trong số ít các quốc gia có khả năng gây ảnh hưởng đối với chính quyền Pakistan.
Kết quả là, theo các nguồn tin Trung Quốc, phái đoàn Taliban đã đưa ra các cam kết tương tự như trong quá khứ với Trung Quốc. Đó là, không cho phép Afghanistan trở thành căn cứ của các chiến binh chống Bắc Kinh đồng thời muốn phát triển các quan hệ kinh tế với người Trung Quốc. Tuy nhiên, quan ngại kịch bản Taliban thắng thế ở Afghanistan có thể gây bất ổn đối với Pakistan và khu vực, Trung Quốc có vẻ ngày càng tỏ ra quan tâm tới giải pháp chính trị để đảm bảo sự cân bằng quyền lực tại Afghanistan.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Bạch Dương