|
Cầu Hữu Nghị nối Trung Quốc với Triều Tiên.
|
Theo nhà phân tích Francesco Sisci - bình luận viên của nhật báo Sole 24 Ore (Italy), vào thời điểm này, Bình Nhưỡng khó có thể “bắt cóc” chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo chiều hướng có lợi cho nước này vì tình hình ở bên trong và bên ngoài Triều Tiên đã thay đổi đáng kể.
Cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố không một nước nào “được phép đẩy khu vực và thậm chí cả thế giới vào hỗn loạn vì thói vị kỷ”. Mặc dù không nêu đích danh, nhưng đó là tuyên bố mạnh mẽ chưa từng có của một nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc liên quan đến Triều Tiên.
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã huy động quân đội đến biên giới phía Đông Bắc, trong khi nhấn mạnh rằng Hiệp ước đình chiến Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vẫn còn hiệu lực. Động thái này cho thấy Bắc Kinh bắt đầu nghiêm túc xem xét khả năng sự sụp đổ của Triều Tiên, vốn một điều cấm kỵ chính trị đối với Trung Quốc vì phá vỡ trật tự chính trị trong khu vực.
Bây giờ, Đài Loan đã cải thiện quan hệ đáng kể với Bắc Kinh và cả Hàn Quốc cũng vậy, trong khi chiến tranh không còn chủ yếu dựa vào lực lượng lục quân như trước đây. Tất cả những yếu tố này góp phần làm thay đổi vai trò địa chính trị của Triều Tiên đối với Trung Quốc.
Hơn nữa, trật tự khu vực đã bị xáo trộn khiến Trung Quốc cần có một cách tiếp cận khác trong chính sách đối ngoại. Trung Quốc đang có mâu thuẫn với nhiều nước láng giềng. Ở phía Nam, đặc biệt là ở Biển Đông, Trung Quốc đang tranh chấp biển đảo với một số nước Đông Nam Á. Ở phía Đông, Trung Quốc mâu thuẫn với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, Washington ngỏ ý rằng việc Trung Quốc tăng cường hợp tác về vấn đề Triều Tiên là có ích trong việc tạo ra một sự xích lại gần nhau trên phạm vi toàn cầu. Nếu trên thực tế Trung Quốc có thể kiềm chế được Bình Nhưỡng và giải quyết ổn thỏa vấn đề hạt nhân Triều Tiên, điều này có thể tác động tích cực đến quan hệ Trung-Mỹ.
Xét theo khía cạnh này, Triều Tiên đang trở thành trung tâm của các mối quan hệ đa chiều đang chi phối châu Á. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc muốn thấy một sự sụp đổ bất ngờ của Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh hiện không còn “bỏ tất cả các quả táo chính sách đối ngoại vào cái giỏ Bình Nhưỡng”.
Một số người Trung Quốc cho vụ thử hạt nhân của Triều Tiên lần thứ ba đã thực sự nhằm vào Trung Quốc, chứ không phải nhắm vào Hàn Quốc và Mỹ. Họ cũng nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc và Mỹ được phía Triều Tiên thông báo cùng một lúc về vụ thử hạt nhân này. Trong quá khứ, Trung Quốc luôn được thông báo trước tiên.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng cũng không muốn bị biến thành một “con tốt” trong bàn cờ đối ngoại của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un cũng muốn chứng minh dũng khí của mình trước đội ngũ tướng lĩnh và chú bác “cận vệ già”. Sẽ là lý tưởng đối với Bắc Kinh, nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và tiến hành cải cách kinh tế sâu rộng. Cải cách này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng ở Triều Tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc tái thống nhất đất nước. Nhưng liệu nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un có theo đuổi đường lối này? Cho đến nay, ông dường như không có ý định đó.
Trong khi chính sách “bên miệng hố chiến tranh” vốn một trò chơi cũ ở Bình Nhưỡng, nhưng ông Kim Jong-un lại là người chơi mới. Ông này có thể đi một nước cờ sai lầm và cũng có thể bị đội ngũ cố vấn “bắt làm con tin”.
Hơn nữa, còn có những bên khác trong khu vực tham gia bàn cờ này. Nếu Trung Quốc giải quyết một cách tích cực và có hiệu quả vấn đề Triều Tiên, vị thế của Nhật Bản trong cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có thể sẽ trở nên lép vế hơn. Nếu chứng tỏ được khả năng giải quyết tình huống rất gai góc với khu vực và thế giới, Trung Quốc khó có thể không xem xét lại lập trường của nước này về các vấn đề biên giới nhạy cảm. Để ngăn chặn sự nghi ngờ của Nhật Bản, Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách hàn gắn quan hệ với Tokyo. Sau đó, điều này cũng có thể áp dụng với các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lê Chân (theo Asia Times Online)